Chỉ trong vòng 1 năm (từ ngày 11/12/2023 đến 17/12/2024), hàng chục vụ phá rừng đã xảy ra trên các địa bàn này gây thiệt hại lớn về diện tích rừng và tài nguyên gỗ. Trước tình hình này, chính quyền tỉnh Gia Lai đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp mạnh, trong đó có việc xử lý “án điểm” để răn đe các đối tượng vi phạm.
Nhiều điểm nóng phá rừng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, tại ba huyện Chư Prông, Ia Grai và Chư Sê đã xảy ra tổng cộng 49 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đáng chú ý, huyện Chư Prông là điểm nóng nhất với 33 vụ (tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2023), gồm: 9 vụ phá rừng, 5 vụ khai thác rừng, 15 vụ vận chuyển lâm sản trái phép và 4 vụ tàng trữ lâm sản. Tiếp đến là huyện Chư Sê với 11 vụ (tăng 9 vụ so với cùng kỳ 2023). Huyện Ia Grai xảy ra 5 vụ làm thiệt hại hơn 10 ha rừng và hơn 30 m3 gỗ.
Một số vụ phá rừng nghiêm trọng điển hình như vụ ngày 23/10/2024 tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, lực lượng chức năng phát hiện 330 cây rừng bị các đối tượng dùng cưa điện để ken phá tại lô 22, khoảnh 4; lô 9, lô 12, khoảnh 6 tiểu khu 1005, thuộc lâm phần UBND xã Ia Mơ quản lý. Hay vụ 124 cây rừng bị khai thác trái phép, khối lượng thiệt hại hơn 30 m3 tại xã Ia Grăng, huyện Ia Grai thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai quản lý đã được khởi tố vụ án và chuyển sang công an huyện để điều tra, xử lý.
Trong khi đó, tại huyện Chư Sê, gần 6,5 ha đất thuộc lô 26, khoảnh 6; lô 6, lô 8, lô 10 và lô 17 khoảnh 8, tiểu khu 1049 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý ngang nhiên bị đào xới, san ủi. Cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý theo quy định về đất đai.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, dù chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do công tác quản lý rừng tại gốc chưa hiệu quả, dẫn đến việc phát hiện và ngăn chặn vi phạm còn chậm trễ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân; công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho việc lấn chiếm.
Lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng ở huyện Chư Prông (Gia Lai). Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Quyết liệt xử lý “án điểm” để răn đe
Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện và các đơn vị chức năng thống nhất triển khai nhiều giải pháp mạnh, trong đó ưu tiên xây dựng “án điểm” với các vụ việc nghiêm trọng, có đối tượng cụ thể để điều tra, xử lý nghiêm, tạo sức răn đe.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Hoan khẳng định, việc phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng để điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm các vụ việc theo đúng pháp luật là rất cần thiết. Về các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật tại huyện Chư Prông và Ia Grai, đề nghị chính quyền hai địa phương tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tích cực phối hợp với Hạt Kiểm lâm điều tra làm rõ đối tượng vi phạm, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo Luật Đất đai đối với vụ việc đào bới, san ủi đất tại xã Ayun, huyện Chư Sê.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương thời gian tới, tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Sê cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt Chương trình số 38-CTr/TU ngày 29/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triền khai Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
UBND các huyện chủ động xây dựng kế hoạch quản lý và bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với các cấp chính quyền và chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực biên giới, vùng giáp ranh; xử lý, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng rừng bị xâm hại; tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các đơn vị Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh trong tuần tra, kiểm soát và điều tra làm rõ đối tượng vi phạm đưa ra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Riêng các Ban Quản lý rừng phòng hộ cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, phối hợp hiệu quả với chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Lực lượng chức năng phát hiện 330 cây rừng bị các đối tượng dùng cưa điện để ken phá tại lô 22, khoảnh 4 và lô 9, lô 12, khoảnh 6 tiểu khu 1005 thuộc lâm phần UBND xã Ia Mơ quản lý. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Thượng tá Phạm Chính Nghĩa, Phó Trưởng Công an huyện Ia Grai khẳng định, đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ các vụ phá rừng đã xác định được đối tượng, đưa ra làm “án điểm” với mục tiêu răn đe để giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật về lâm luật.
Ông Trương Thanh Hà, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cũng cho biết, đối với các vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép..., đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan và chủ rừng khẩn trương điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm.
Là đơn vị chủ rừng quản lý gần 14.000 ha rừng và cũng là điểm nóng về phá rừng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Ia Mơ, huyện Chư Prông cho rằng, để làm tốt công tác bảo vệ rừng thời gian tới, ngành chức năng cần nghiên cứu bố trí, phân công kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đủ năng lực, trình độ hỗ trợ địa phương. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng cũng cần tăng cường giám sát người và phương tiện ra vào khu vực biên giới.
Để đạt được hiệu quả bền vững trong công tác bảo vệ rừng, ngoài việc triển khai quyết liệt các giải pháp từ ngành chức năng, rất cần sự chung tay và tích cực tố giác các hành vi vi phạm từ người dân giúp giữ vững những cánh rừng trước áp lực xâm hại ngày một gia tăng.
Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phap-luat/gia-lai-quyet-liet-xu-ly-an-diempha-rung-de-ran-de-20241226180335108.htm