Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Gia Lai và địa phương kiểm đếm, cắm mốc khu tái định cư. Ảnh: Diễm Phúc.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Gia Lai, đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư các khu TĐC, đến nay đã hoàn tất cắm mốc tại 4 khu TĐC. Các vị trí này bao gồm: thôn Hy Văn (phường Hoài Nhơn Bắc), thôn Tân Lập 4 (xã An Nhơn Tây), khu Nhơn Thọ (phường An Nhơn Nam) và khu Tây Vinh (xã Bình An). Trong đó, khu Tây Vinh đã hoàn tất công tác thu hồi đất và bồi thường, đủ điều kiện để khởi công xây dựng. Mỗi khu TĐC có diện tích từ 2 - 3 ha, có khả năng bố trí tái định cư cho từ 70 đến 100 hộ dân.
Ông Ngô Tùng Sơn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết: “Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã thành lập các tổ công tác gồm lãnh đạo và cán bộ chuyên môn, trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương để khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và cắm mốc. Hiện nay, các cán bộ của trung tâm vẫn đang làm việc cả ngày nghỉ để đảm bảo tiến độ. 4 khu TĐC đã cắm mốc dự kiến khởi công xây dựng trước ngày 19/8”.
Về lâu dài, tỉnh Gia Lai sẽ quy hoạch 39 khu TĐC với tổng diện tích hơn 168 ha, cùng với 6 khu cải táng khoảng 3,65 ha, phục vụ nhu cầu di dời dân cư và xử lý phần mộ nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án đường sắt tốc độ cao. Ông Sơn cho biết, các khu TĐC đường sắt được bố trí liền kề với các khu TĐC của dự án cao tốc Bắc - Nam để đảm bảo sự thống nhất trong quy hoạch, cảnh quan và thuận tiện cho người dân sinh sống, ổn định cuộc sống mới.
Về kinh phí, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết tổng dự toán bồi thường và GPMB cho các khu TĐC khoảng 1.000 tỷ đồng; riêng khu cải táng cần khoảng 21 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình tại các khu TĐC, khu cải táng dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng. Trung tâm cũng đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ về mỏ đất, bãi thải, thủ tục pháp lý để bảo đảm đồng bộ trong triển khai.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Gia Lai dài hơn 115km, từ Km 886+300 đến Km 1002, cắt qua 18 xã, phường. Trên tuyến này dự kiến có hai nhà ga chính là ga Bồng Sơn (phường Bồng Sơn) và ga Diêu Trì (xã Tuy Phước Tây). Tổng nhu cầu sử dụng đất cho đoạn tuyến đi qua Gia Lai khoảng 758 ha, trong đó cần giải phóng hơn 323 ha, ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 4.435 hộ dân.
Nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và minh bạch trong công tác GPMB, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để tuyên truyền, vận động người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, kiểm soát hiện trạng đất đai, ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép hoặc lợi dụng chính sách đền bù để trục lợi. Các địa phương cũng được yêu cầu rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh kịp thời nhằm phục vụ công tác thu hồi đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh các giải pháp tại chỗ, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều kiến nghị gửi đến Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai. Cụ thể, tỉnh đề xuất Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt sớm phối hợp với địa phương trong việc cắm cọc, bàn giao mốc GPMB thực địa, tạo cơ sở pháp lý để tiến hành đo đạc địa chính, xác định chính xác hộ bị ảnh hưởng và triển khai các phương án bồi thường, TĐC một cách minh bạch, hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị sớm nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến đường sắt tại một số đoạn giao cắt với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tránh tình trạng chồng lấn quy hoạch, ảnh hưởng đến các khu TĐC và các công trình trọng điểm đã, đang hoặc sắp được triển khai tại địa phương. Việc điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm quỹ đất, giảm thiểu ảnh hưởng đến dân cư, đồng thời đảm bảo tính hợp lý trong quy hoạch tổng thể vùng.
Thùy Trang - Diễm Phúc