Gia Lai tăng tốc xóa nhà tạm, nhà dột nát sau sáp nhập

Gia Lai tăng tốc xóa nhà tạm, nhà dột nát sau sáp nhập
8 giờ trướcBài gốc
Vừa sáp nhập, vừa tăng tốc về đích - đó là bức tranh rõ nét về chương trình xóa nhà tạm tại tỉnh Gia Lai mới, sau khi hợp nhất hai tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ) từ ngày 1/7. Trước đó, cả hai địa phương đều thể hiện quyết tâm cao, triển khai đồng bộ chương trình an sinh trọng điểm do Chính phủ phát động.
Cách Bình Định dám ứng ngân sách lo cho người có công
Ngay sau khi Thủ tướng phát động phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” vào tháng 10/2024, tỉnh Bình Định (cũ) đã nhanh chóng vào cuộc. Ban chỉ đạo các cấp được thành lập trong thời gian ngắn, kế hoạch triển khai rõ ràng, cụ thể đến từng tuần và nhóm đối tượng.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 4.411 hộ cần hỗ trợ nhà ở, trong đó hơn 2.500 hộ cần xây mới. Ngày 9/2, toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố đồng loạt khởi công xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát. Lãnh đạo tỉnh, sở ngành và các xã trực tiếp kiểm tra tiến độ, tháo gỡ vướng mắc ngay tại cơ sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (thứ 3 từ trái sang) dự lễ khởi công xây dựng nhà cho người dân. Ảnh: Thùy Trang
UBND tỉnh cũng linh hoạt điều chỉnh chính sách hỗ trợ, nâng mức từ 60 lên 80 triệu đồng cho hộ xây mới và từ 30 lên 40 triệu đồng đối với hộ sửa chữa. Đặc biệt, khi ngân sách Trung ương chưa phân bổ kịp, tỉnh đã chủ động ứng trước 106 tỷ đồng để hỗ trợ nhóm người có công.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo nên phong trào xã hội hóa mạnh mẽ, khi cả hệ thống chính trị, người dân, lực lượng vũ trang, các hội đoàn, doanh nghiệp… cùng vào cuộc.
Riêng Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn đã huy động hơn 28.000 ngày công. Doanh nghiệp địa phương hỗ trợ hàng trăm tấn xi măng, gạch, sắt thép. Nhiều đơn vị còn tài trợ mái tôn, thiết bị điện, thậm chí cả bàn ghế cho các hộ mới dọn về. Lực lượng công an, quân đội tham gia từ vận chuyển, xây dựng đến hỗ trợ nhân lực.
Một phong trào “ai có gì góp nấy” lan tỏa khắp tỉnh, biến từng ngôi nhà thành kết tinh của nghĩa tình. Nhờ vậy, chỉ trong hơn 3 tháng, toàn tỉnh xây mới và sửa chữa được 4.411 căn nhà đạt chuẩn “3 cứng” (nền, khung, mái) - trung bình 32 căn mỗi ngày, vượt xa mức bình quân của nhiều địa phương có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm hỏi và kiểm tra việc xây dựng nhà mới tại hộ ông Đinh HLôg hồi đầu tháng 4. Ảnh: Trang Lê
Đến giữa tháng 5 vừa qua, chương trình đã cán đích sớm hơn 7 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng. Tổng kinh phí hơn 307 tỷ đồng được sử dụng hiệu quả từ ngân sách nhà nước, vốn vay và khoảng 44 tỷ đồng nguồn xã hội hóa.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả Bình Định đạt được, gọi đây là địa phương tiêu biểu với 4 chữ "thật": nói thật - làm thật - hiệu quả thật - người dân thụ hưởng thật.
Ông cũng nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi mạnh dạn ứng ngân sách để lo nhà ở cho người có công - điều không phải nơi nào cũng làm được.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung biểu dương những kết quả nổi bật mà Bình Định đã đạt được trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Hà Nam
Gia Lai tăng tốc về đích sau sáp nhập
Tại tỉnh Gia Lai (cũ), chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng được triển khai rốt ráo trước thời điểm sáp nhập. Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa và bàn giao gần 8.000 căn nhà, đạt 99,88% kế hoạch.
Các địa phương có số hộ cần hỗ trợ lớn như Ia Hrú (419 căn), Ia Le (281 căn), Ia Khươl (262 căn), Phú Túc (260 căn)... đều đã hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt trong vận chuyển, thi công; Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 hỗ trợ hơn 39.000 ngày công, dựng hàng trăm căn nhà tại vùng sâu, vùng xa.
Người dân góp ngày công xây dựng nhà ở mới cho gia đình tại xã An Lão. Ảnh: Kim Loan
Tỉnh cũng triển khai mô hình phân công cán bộ “cắm chốt” địa bàn, sát sao hỗ trợ từng hộ. Việc tổ chức mua vật liệu tập trung giúp tiết kiệm chi phí, ổn định nguồn cung. Các tổ thợ chuyên nghiệp kết hợp cùng người dân thi công, tạo sự gắn kết cộng đồng và nâng cao chất lượng công trình.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai, hiện 100% số nhà trong kế hoạch đã được khởi công.
Tại xã Ya Ma, ông Trịnh Minh Dương - Chủ tịch UBND xã cho biết, 71 căn đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, 12 căn còn lại đang chờ nghiệm thu. Tất cả đều được xây dựng theo mẫu thống nhất của Sở Xây dựng, đảm bảo chuẩn “3 cứng”, diện tích hợp lý, phù hợp thực tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gia đình bà Trần Thị Tám, thuộc diện xóa nhà tạm tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thùy Trang
Với quyết tâm cao từ chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, tỉnh Gia Lai mới đang phấn đấu hoàn tất chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 7, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội sau sáp nhập.
Hà Nam
Nguyễn Hiền
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/gia-lai-tang-toc-xoa-nha-tam-sau-sap-nhap-2422982.html