Đổi thay từ nguồn vốn tín dụng
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tỉnh Gia Lai đã thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án; triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng và huy động sự đóng góp của người dân cùng các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.
Hiện nay, toàn tỉnh còn 23.852 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,06%, bình quân giảm 2,01%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch 47-KH/TU đề ra.
Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 của Tỉnh ủy Gia Lai, từ năm 2022 đến nay, đã có 148.586 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn giảm nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 7.400 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ cây, con giống giúp người dân Gia Lai thoát nghèo. Ảnh: Đình Văn
Trong đó, 8.950 hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 31.400 lao động; xây dựng và cải tạo 86.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 2.196 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo có vốn xây dựng nhà ở, đầu tư phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 110.556 lao động, trong đó có 35.790 lao động dân tộc thiểu số. Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 172.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, với tổng kinh phí khoảng 955 tỷ đồng.
Nhiều mô hình điểm giúp người dân thoát nghèo
Một trong những mô hình mang lại dấu ấn và đã được Gia Lai triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua là hỗ trợ sinh kế theo nhu cầu thực tiễn của người dân. Điển hình như tại TP. Pleiku, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các xã, phường cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ sinh kế.
Tính đến hết tháng 10.2024, đã có 104 hộ nghèo, 135 hộ cận nghèo và 25 hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ; trong đó, có 178 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp lợn giống, bò cái lai sinh sản và các thiết bị sản xuất như máy cắt cỏ, máy bơm nước, máy phun thuốc, máy xới đất… với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng.
Được biết, dự án trao sinh kế này nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP. Pleiku, đã được triển khai ngay khi có nguồn vốn. Dự án này không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế phù hợp mà còn trang bị thêm các thiết bị sản xuất để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và làm thuê tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Tại xã Chư Á, nơi có 78% dân số là người dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chính quyền địa phương đã tích cực huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án mô hình sinh kế để hỗ trợ người dân sản xuất và kinh doanh. Giai đoạn 2021 - 2023, xã đã cấp 42 con bò cho các hộ nghèo, hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề cho 10 hộ và cho 8 hộ vay vốn ưu đãi.
Đặc biệt, trong năm 2024, xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi 8 hộ với tổng số tiền là 330 triệu đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại xã đã giảm từ 2,14% xuống còn 1,58%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,27% xuống còn 1,78%.
Tùng Dương