Gia Lai tìm cách gỡ khó trong giải ngân đầu tư công

Gia Lai tìm cách gỡ khó trong giải ngân đầu tư công
4 ngày trướcBài gốc
Năm 2025, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu lớn về tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau quý I, tỷ lệ giải ngân của toàn tỉnh mới chỉ đạt hơn 10%. Nhiều dự án trọng điểm ở Gia Lai vẫn đang gặp khó khăn, làm chậm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của địa phương, đòi hỏi các địa phương phải đặc biệt nỗ lực tháo gỡ.
Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng, thiếu vật liệu san lấp...
Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông thành phố Pleiku có chiều dài 15km, vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, giúp kết nối thành phố với các huyện Đak Đoa, Chư Păh, băng qua các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Tên gọi “hành lang kinh tế” cho thấy tỉnh Gia Lai đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này, nhưng nay dự án đang là điển hình của tình trạng thi công chậm tiến độ. Dù khởi công từ cuối năm 2022, được kỳ vọng thông tuyến đi vào hoạt động giữa năm 2025, thế nhưng đến nay khối lượng xây lắp tại công trình này mới chỉ đạt 46%, giải ngân được gần 740 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, đơn vị đang rất cố gắng để khắc phục tình trạng này. “Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, theo kế hoạch năm nay thì phải giải ngân tối thiểu đạt 95%. Trên cơ sở mục tiêu đó, Ban quản lý cũng có những chỉ đạo cụ thể với từng dự án cụ thể, nhất là đối với các công trình trọng điểm nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân trong năm. Về cơ bản những khó khăn, vướng mắc tại các công trình cũng đã được tháo gỡ”, ông Điệp nói.
Tại huyện Chư Păh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công càng chậm hơn. Trong tổng vốn 117 tỷ đồng của năm 2025, huyện mới giải ngân hơn 3 tỷ đồng, chỉ đạt trên 2% kế hoạch. Các dự án xây dựng cơ bản ở Chư Pảh, chủ yếu thuộc nhóm chuyển tiếp; các dự án mới vẫn đang chờ hoàn tất thủ tục.
Ông Đặng Thái Huy – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh (Gia Lai) cho biết, một phần khó khăn là do ảnh hưởng từ công tác sáp nhập các cơ quan, đơn vị ở huyện.
“Vừa rồi việc sáp nhập theo văn bản chỉ đạo của tỉnh dừng hoãn một số công trình có liên quan tới cấp xã, nên Ban quản lý cũng chậm giải ngân. Sắp tới trong tháng 5, tháng 6 này, Ban quản lý sẽ chốt khối lượng của các đơn vị nhà thầu để nâng khối lượng và tỷ lệ giải ngân của huyện”, ông Huy nói.
Tỉnh Gia Lai được giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển hơn 4.500 tỷ đồng, bao gồm định mức vốn năm 2025 và vốn chuyển từ năm 2024. Trong đó, ngân sách địa phương hơn 2.600 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương gần 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 12 huyện, thị xã chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công được giao, khiến tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 10%, một con số thấp so với yêu cầu đặt ra.
Vượt qua khó khăn, các đơn vị vẫn nỗ lực để thực hiện các hạng mục còn tồn đọng
Trước thực tế này, tỉnh Gia Lai đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó thành lập 4 tổ công tác đặc biệt do các Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách. Các tổ này tập trung đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy định bồi thường và linh hoạt trong bố trí vốn. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, Gia Lai đang từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.
“Trung ương đang có những định hướng triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư công. Tỉnh đã xây dựng phương án và có kế hoạch triển khai thực hiện kịch bản này. Rà soát đánh giá và huy động các nguồn lực vừa phát huy các nguồn lực đồng thời khơi thông và tháo gỡ những điểm nghẽn. Làm sao tất cả tiềm năng điều kiện của địa phương được phát huy ở mức độ cao nhất để huy động các nguồn lực chung tay cùng với chính quyền địa phương để thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế, đây là một trong những việc hết sức quan trọng”, ông Ral Lan Chung - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - nhấn mạnh.
Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/gia-lai-tim-cach-go-kho-trong-giai-ngan-dau-tu-cong-post1191309.vov