Cụ thể, thiệt hại về nhà ở trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó, sập hoàn toàn 7 nhà tạm và 1 nhà kho; tốc mái nhà của 83 hộ, 1 nhà máy gạo, 1 nhà tang lễ; hư hỏng một phần 2 nhà bán kiên cố; nghiêng 1 nhà; sập tường nhà của 2 hộ.
Huyện Đức Cơ tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn phòng-chống thiên tai năm 2024. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ngoài ra, toàn tỉnh thiệt hại về nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên 203,2 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông nghiệp, lâm nghiệp trên 201,7 tỷ đồng; về giáo dục khoảng 100 triệu đồng; về thủy lợi khoảng 232 triệu đồng; về y tế khoảng 20 triệu đồng; về chăn nuôi khoảng 180 triệu đồng; về giao thông khoảng 200 triệu đồng; về thông tin liên lạc khoảng 100 triệu đồng; về công nghiệp khoảng 200 triệu đồng và thiệt hại về các công trình khác hơn 601 triệu đồng.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động, bố trí các nguồn lực tập trung khắc phục một số hạng mục, công trình, nhất là đảm bảo nhà ở bị ảnh hưởng sau các đợt thiên tai phục vụ cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Năm 2025, UBND tỉnh đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong công tác phòng-chống thiên tai. Bên cạnh kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về phòng-chống thiên tai, tỉnh tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia phòng-chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng-chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Chương trình tổng thể phòng-chống thiên tai quốc gia; rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng-chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Cùng với đó, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy cấp tỉnh; xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến giao ban với Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ huy các cấp.
Đồng thời, triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác phòng ngừa và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai...
MỘC TRÀ