Quy trình rút ngắn rõ rệt
Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 3-7, không khí làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) xã Đak Sơmei diễn ra nhộn nhịp, nghiêm túc. Nhiều người dân từ các thôn, làng tranh thủ sau buổi làm rẫy để đến làm thủ tục hành chính. Những cán bộ trẻ luôn túc trực để tiếp nhận và hướng dẫn bà con xử lý hồ sơ nhanh chóng, không để phải chờ đợi lâu.
Anh Trịnh Ngọc Bảng (thôn 18, xã Đak Sơmei) được cán bộ TTPVHCC xã hướng dẫn hồ sơ thủ tục hành chính. Ảnh: Nguyễn Diệp
Anh Trịnh Ngọc Bảng (thôn 18, xã Đak Sơmei) chia sẻ: “Tôi bị thất lạc giấy khai sinh từ rất lâu nhưng do bận làm nương rẫy nên không có thời gian đi làm lại. Trước đây, muốn làm giấy tờ gì cũng phải đi lên huyện, di chuyển vất vả, mất cả ngày trời. Nay có Trung tâm Phục vụ hành chính công ngay tại xã, tôi tranh thủ ra làm lại giấy khai sinh và được hướng dẫn tận tình, mọi thứ thuận tiện, đặc biệt tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều”.
Tại Trung tâm, anh Bảng cũng được tư vấn thêm về các thủ tục liên quan đến nhà đất, điều mà trước đây xã cũ không có thẩm quyền xử lý. “Tôi cũng được cán bộ giải thích về việc kê khai đất đai, tách thửa, các trường hợp chuyển nhượng tài sản giữa cha mẹ, con cái trong gia đình... Tôi có ý định tiếp tục đến Trung tâm trong những ngày tới để hoàn tất các thủ tục về quyền sử dụng đất, nhà cửa và giấy tờ còn thiếu sót”-anh Bảng phấn khởi.
Tương tự, dù đã gần 11 giờ trưa nhưng tại TTPVHCC xã Chư Păh, người dân vẫn được cán bộ tiếp nhận hồ sơ và hỗ trợ nhiệt tình, kịp thời.
Chị Cao Thị Minh Tuyền (thôn 3) đang làm thủ tục tại TTPVHCC Chư Păh để thay đổi một số thông tin về hộ kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chị Cao Thị Minh Tuyền (thôn 3) cho hay: “Tôi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã để thay đổi một số thông tin về hộ kinh doanh cà phê rang xay của gia đình. Chỉ sau chưa đầy một giờ, tôi đã hoàn tất toàn bộ thủ tục. Cán bộ, công chức hướng dẫn rõ ràng, thái độ phục vụ rất thân thiện, khác hẳn với suy nghĩ trước đây là phải đi nhiều nơi, chờ đợi mỏi mòn”.
Tại xã Gào, nơi vừa sáp nhập 3 xã cũ là Ia Kênh, Gào và Ia Pếch, TTPVHCC cũng đang vận hành trơn tru. Trong 3 ngày qua, Trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm hồ sơ chủ yếu ở các lĩnh vực như: địa chính, hộ tịch, chứng thực và văn hóa-xã hội. Ông Lê Quang Toản-Phó Giám đốc Trung tâm-cho biết: “Việc chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp đã mở rộng thẩm quyền cho cấp xã. Nhờ đó, nhiều thủ tục vốn trước đây thuộc cấp huyện nay được xử lý ngay tại xã, giúp rút ngắn quy trình và tăng cường hiệu quả phục vụ”.
Tăng cường cán bộ trẻ, giỏi nghiệp vụ
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã không chỉ giúp giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy mà còn tạo điều kiện để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức một cách khoa học, hợp lý hơn. Tại các xã mới sáp nhập, các TTPVHCC đều được kiện toàn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Một điểm đáng ghi nhận là lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Cán bộ TTPVHCC xã Chư Păh hướng dẫn người dân làm hồ sơ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tại TTPVHCC xã Đak Sơmei, chị Y Mỹ Lương-Công chức Tư pháp-Hộ tịch- cho hay: “Tôi được điều động về Trung tâm ngay sau khi sáp nhập. Công việc khá áp lực do lượng hồ sơ lớn, hệ thống một cửa điện tử vẫn đang hoàn thiện. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ trẻ đều đã được tập huấn bài bản, quen với quy trình làm việc mới, đặc biệt là xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng Internet. Điều này giúp chúng tôi hỗ trợ người dân nhanh chóng và đúng quy định”.
Tất cả cán bộ làm việc tại các Trung tâm đều đã được đào tạo về nghiệp vụ một cửa, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, sử dụng phần mềm hành chính công và chữ ký số. Đặc biệt, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ trẻ được đánh giá cao, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính theo hướng số hóa. Một số Trung tâm còn bố trí cán bộ trực hỗ trợ người cao tuổi, người dân vùng sâu chưa quen thao tác công nghệ để nộp hồ sơ trực tuyến.
Người dân đến TTPVHCC xã Gào giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Ngọc Sang
Tại xã Gào, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đăng Quang khẳng định: “Ngay sau khi sáp nhập, chúng tôi được bố trí lại đội ngũ với gần 80% công chức dưới 40 tuổi. Tất cả đều được đào tạo kỹ lưỡng, nắm chắc quy trình công việc theo mô hình mới. Dù khối lượng công việc tăng do dân số xã lớn hơn trước đây rất nhiều nhưng việc tổ chức lại bộ máy đã giúp xã vận hành hiệu quả, giải quyết kịp thời các thủ tục cho người dân”.
Không chỉ nhân lực, cơ sở vật chất cũng được đầu tư đồng bộ. Các Trung tâm được nâng cấp hệ thống máy tính, mạng internet, quầy tiếp nhận hiện đại, bảng niêm yết công khai thủ tục hành chính, khu vực riêng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến… tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đến giao dịch.
Lấy người dân làm trung tâm phục vụ
Chỉ sau 3 ngày chính thức đi vào hoạt động, các TTPVHCC cấp xã ở Gia Lai đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm lượt hồ sơ, chứng minh được tính đúng đắn của mô hình chính quyền hai cấp trong cải cách hành chính.
Ông Nhữ Văn Hưng-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sơmei-chia sẻ: “Chúng tôi xác định, Trung tâm là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần phục vụ của chính quyền đối với người dân. Do vậy, dù còn nhiều việc phải hoàn thiện như quy trình nội bộ, tích hợp phần mềm… nhưng mục tiêu hàng đầu vẫn là giải quyết hồ sơ nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người dân”.
Bên cạnh đó, UBND các xã cũng chủ động tuyên truyền thông qua tờ rơi hướng dẫn, niêm yết trên bảng điện tử, thậm chí hướng dẫn bằng loa truyền thanh để người dân hiểu và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế dần hồ sơ giấy.
Ông Nguyễn Đăng Quang-Chủ tịch UBND xã Gào-nhấn mạnh: “Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp là bước cải cách lớn, đòi hỏi xã phải nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và phục vụ. Chúng tôi luôn xác định, lấy người dân làm trung tâm, làm sao để mỗi người dân đến Trung tâm đều hài lòng, không bị phiền hà, không mất thời gian vô ích”.
Ông Lê Quang Toản (bên phải)-Phó Giám đốc TTPVHCC xã Gào hướng dẫn người dân làm các thủ tục liên quan về đất đai. Ảnh: Ngọc Sang
Dù mới là bước khởi đầu, nhưng mô hình TTPVHCC cấp xã ở Gia Lai đang chứng minh được tính hiệu quả trong việc đưa dịch vụ công đến gần hơn với người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Khi thủ tục được xử lý tại chỗ, quy trình được công khai, minh bạch, người dân sẽ yên tâm hơn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ hành chính của mình.
Sự trẻ hóa đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ số, cùng với quyết tâm của chính quyền địa phương… chính là nền tảng để Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả điều hành.
Với đà khởi đầu thuận lợi, mô hình TTPVHCC cấp xã hứa hẹn sẽ trở thành “một cửa” hành chính thân thiện, hiệu quả.
NGỌC SANG