Ngày 24/12 tại thị trường các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ và Vĩnh Phúc tăng 1.000 đồng, giao dịch lên ngưỡng 69.000 đồng/kg. Thương lái tại Lào Cai và Ninh Bình vẫn thu mua tại giá 67.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực. Trong khi đó, thị trường lợn hơi miền Trung và Tây Nguyên cũng tăng so. Cụ thể, Lâm Đồng và Đắk Lắk cùng tăng 1.000 đồng, thu mua lên mức 67.000 đồng/kg.Tương tự, thương lái tại Quảng Trị, Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã giao dịch lên giá 65.000 đồng/kg.
Tại thị trường miền Nam giá nhích nhẹ. Giá lợn hơi tại Đồng Tháp và Hậu Giang cùng mức 65.000 đồng/kg, sau khi tăng 1.000 đồng. Cùng mức tăng trên, thương lái tại TPHCM đã giao dịch lên giá 67.000 đồng/kg - ngang bằng với Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Vũng Tàu.
Các doanh nghiệp lớn cũng thông báo điều chỉnh tăng giá lợn hơi liên tục. Chẳng hạn, C.P Việt Nam liên tiếp điều chỉnh giá lợn hơi xuất chuồng từ đầu tháng. Theo đó, giá lợn hơi xuất chuồng khu vực phía bắc tăng ở mức 68.000 đồng/kg. Trước đó hồi giữa tháng 10, giá lợn hơi niêm yết khu vực phía bắc của doanh nghiệp này chỉ khoảng 62.000-65.000 đồng/kg. Dabaco cũng tăng giá loại trọng lượng 120-125 kg lên 65.000-66.000 đồng một kg và heo 110kg đạt 64.000 đồng /kg.
Các doanh nghiệp khác trên cả nước cũng điều chỉnh giá vượt mốc 65.000 đồng /kg, kéo giá lợn hơi lên cao trên diện rộng.
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng tăng. Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội giá thịt lợn mảnh ngày 24/12 đều đồng loạt tăng so với tuần trước. Cụ thể, thịt ba chỉ dao động ở mức 150.000 đến 180.000 đồng/kg, sườn non ở mức 140.000 đến 160.000 đồng/kg, thịt mông cũng nhích lên giá 110.000 đồng/kg…
Dù giá thịt lợn tăng nhưng theo các thương lái mức độ tiêu thụ thịt lợn vẫn tăng không có dấu hiệu giảm. “Mùa đông trời lạnh người tiêu dùng có xu hướng ăn uống, liên hoan nhiều hơn nên mức tiêu thụ thịt tăng hơn so với các mùa khác. Nhất là hiện nay đang là dịp cuối năm nhu cầu liên hoan, tiệc tăng nên dù giá lợn có tăng hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg không ảnh hưởng đến nhu cầu. Trung bình mỗi ngày sạp của tôi bán từ 150 - 200 kg thịt lợn các loại” - chị Nguyễn Thị Hường thương lái tại chợ Trung Kính chia sẻ. Còn bà Nguyễn Thị Loan (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết năm nay mới vào thời điểm tháng 12 mà giá lợn hơi tăng theo ngày, nguồn cung hiếm thương lái đua nhau đặt cọc để giữ hàng. Với đà này năm nay gia đình tôi bà sẽ có được một cái “Tết ấm”.
Cũng theo bà Loan với mức giá lợn hơi như hiện nay (69.000 đồng/kg) trung bình mỗi con lợn bán ra gia đình bà lãi chừng hơn 2 triệu đồng/con. Với quy mô chuồng trại gần 300 con thì năm nay nhà bà đã có tích lũy từ chăn nuôi lợn.
Thực tế, giá thức ăn chăn nuôi năm nay thấp hơn mọi năm nên đầu vào không cao, bởi vậy mức giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg trở lên là người chăn nuôi đã có lãi, tùy loại hình chăn nuôi. Sản xuất trong nước vẫn bị ảnh hưởng tương đối nhiều bởi dịch bệnh, làm hạn chế nguồn cung nên từ đầu năm tới nay, giá lợn hơi đang nằm trên trục giá có lợi cho người chăn nuôi là 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, sản xuất thịt lợn trong nước đang có sự tăng trưởng ổn định, trong khi lượng thịt lợn nhập khẩu cũng duy trì ổn định và tăng trưởng đều từ 15 - 20%. Vì vậy, với nhu cầu thịt lợn dự báo tăng khoảng 15% trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nguồn cung vẫn sẽ được đảm bảo và giá cả sẽ không có sự biến động quá lớn.
Cũng theo đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam, cả doanh nghiệp và người chăn nuôi nên xuất bán thịt lợn đúng theo lịch trình và thời gian đã định, không nên cố giữ lại để đợi giá lên cao, vì điều này có thể gây ra hiện tượng tăng giá ảo, làm ảnh hưởng đến thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng. Thời gian tới, mức giá vẫn đảm bảo chăn nuôi có lãi, người chăn nuôi có thể yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là cần kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi.
Khanh Lê