Tiếp đà tăng
Khảo sát giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc ngày 6/2 cho thấy, giá lợn hơi tiếp tục ghi nhận đà tăng so với những ngày trước đó. Các tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc…giá lợn hơi đạt mức từ 69.000 - 70.000 đồng/kg. Tương tự, giá lợn hơi tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng ghi nhận tăng 1.000 đồng/kg tại các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định và Bình Thuận. Đáng chú ý, tỉnh Bình Thuận đạt mức giá cao nhất khu vực với mức 71.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại khu vực miền Nam cũng ghi nhận đà tăng nhanh tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Tiền Giang và Sóc Trăng cùng tăng 1.000 đồng/kg. Trong đó, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu thu mua heo hơi tại mức 72.000 đồng/kg, cùng giá với Đồng Nai và cao nhất cả nước.
Giá lợn hơi tăng nhưng giá thịt lợn tại các siêu thị cũng như chợ truyền thống tại Hà Nội vẫn giữ nguyên so với dịp trước Tết. Theo đó, thịt ba chỉ vẫn ở mức 150.000 đồng/kg, sườn thăn 160.000 đồng/kg, thịt mông 110.000 đồng/kg…Theo các tiểu thương dù giá lợn hơi tăng nhưng khó có thể tăng thêm giá thịt lợn thành phẩm bởi với mức giá như hiện nay đã ở mức cao, nếu tăng thêm sẽ rất khó bán.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng đàn heo cả nước đạt 26 triệu con, tăng 2,9% so với năm trước. Sản lượng thịt heo dự kiến hơn 5 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước và sau Tết. Việc nhập khẩu thịt đông lạnh từ các thị trường quốc tế cũng đang được đẩy mạnh, giúp giảm áp lực lên nguồn cung trong nước. Không chỉ vậy, người chăn nuôi tại một số địa phương đã đẩy mạnh tái đàn nhằm đảm bảo thời gian xuất chuồng, giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào thời điểm cuối năm. Nguồn cung được dự kiến sẽ sớm ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng 3% so với năm trước nhờ dự kiến mở rộng đàn lợn sau khi khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi và dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt hơn. Tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam dự báo khoảng 3,9 triệu tấn vào năm 2025, tăng 3,3% so với năm trước và đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.
Đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi
Năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2024; trong đó sản lượng thịt hơi khoảng 8,4 triệu tấn; sản lượng trứng 20,2 tỷ quả; sản lượng sữa 1,25 triệu tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,05 triệu tấn.
Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố thuận lợi ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều thách thức như: kiểm soát dịch bệnh, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi và kiểm soát giết mổ. Ngoài ra, thủ tục hành chính và các quy định trong quản lý vật tư chăn nuôi, thú y còn tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người chăn nuôi, doanh nghiệp, làm phát sinh chi phí sản xuất và lỡ cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cục Chăn nuôi nhận định, thời gian tới, việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” sẽ góp phần tiếp tục phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, có định hướng thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu những sản phẩm có tiềm năng như: thịt, trứng, các sản phẩm sữa, mật ong, thức ăn chăn nuôi…Cùng với đó, hợp tác quốc tế về kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu.
Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, việc đầu tư theo chuỗi, phát triển kinh tế tuần hoàn và đổi mới công nghệ, hợp tác quốc tế phải được coi là trọng tâm, với mục tiêu thu hút thêm đối tác nước ngoài, cải thiện thương hiệu và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Khanh Lê