Giá lợn duy trì mức cao
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, quý I/2025 ghi nhận sự ổn định của ngành chăn nuôi. Đến cuối tháng 2/2025, đàn lợn đạt 26,8 triệu con (tăng 3,2%), đàn gia cầm 574,5 triệu con (tăng 3,4%), trong khi đàn bò và trâu giảm nhẹ.
Thị trường biến động mạnh, đặc biệt là giá lợn hơi. Từ mức 65.000 - 69.000 đồng/kg trong tháng 1, giá tăng lên 83.000 đồng/kg đầu tháng 3, cao nhất ba năm, rồi chững lại ở mức 74.000 - 81.000 đồng/kg. Giá heo tại Việt Nam hiện cao hơn các nước láng giềng nhưng thấp hơn Philippines, giúp người chăn nuôi đạt lợi nhuận 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Nguyên nhân tăng giá đến từ dịch bệnh cuối 2024 làm giảm đàn nái, siết kiểm soát chăn nuôi tại Đông Nam Bộ, kiểm tra nhập lậu và nguồn cung hạn chế.
Thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao trong đầu năm 2025. Ảnh: Shutterstock.
Theo Chứng khoán Tiên Phong, ngành chăn nuôi sẽ tái cấu trúc mạnh trong 2025 - 2026. Xu hướng tiêu dùng chú trọng an toàn thực phẩm, chi phí tăng và dịch bệnh khiến mô hình nông hộ thu hẹp, trong khi doanh nghiệp lớn mở rộng nhờ sản xuất khép kín, ít hao hụt.
Luật Chăn nuôi 2018 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025, buộc di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp, tạo áp lực cho hộ nhỏ lẻ và mở đường cho doanh nghiệp lớn gia tăng thị phần.
Mô hình trang trại hiện đại giúp ngành bền vững hơn, giảm tác động từ dịch bệnh và giá nguyên liệu. Quy mô lớn giúp doanh nghiệp dễ ứng dụng công nghệ, tiết kiệm chi phí.
Dự báo toàn cầu cho thấy sản lượng thịt heo 2025 sẽ giảm 0,8% xuống 115,1 triệu tấn. Việt Nam dự kiến đạt 3,8 triệu tấn (tăng 3%) nhờ kiểm soát tốt dịch tả lợn.
Trên cơ sở đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định nhóm cổ phiếu chăn nuôi sẽ tiếp tục hưởng lợi từ đà tăng của giá lợn. Nguyên nhân xuất phát từ nguồn cung sụt giảm, tác động của luật Chăn nuôi mới cùng dịch bệnh khiến nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ đàn. Ngoài ra, giá ngũ cốc – nguyên liệu chính cho thức ăn chăn nuôi – cũng đang có dấu hiệu tăng.
VCBS kỳ vọng mặt bằng giá lợn hơi sẽ tăng khoảng 18% trong năm 2025, trong bối cảnh nguồn cung lợn thiếu hụt ở đầu năm, sau một đợt bán chạy dịch và xả đàn từ hộ chăn nuôi, khiến giá lợn có thể duy trì mức cao trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng quy mô chăn nuôi để chiếm lĩnh thị phần, nguồn cung có thể sẽ tăng trở lại vào cuối năm, khiến giá lợn hơi có thể điều chỉnh giảm nhẹ.
Doanh nghiệp chăn nuôi trở lại đường đua
Giá lợn hơi tăng trở lại đang tạo cú hích đáng kể cho ngành chăn nuôi, giúp các doanh nghiệp đầu ngành lấy lại đà phục hồi và mạnh dạn triển khai các kế hoạch mở rộng trong năm 2025.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ông Nguyễn Như So – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam – nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá heo duy trì ở mức cao có thể kéo dài đến cuối năm 2026, do quá trình tái đàn cần ít nhất từ 2 đến 3 năm.
Năm 2024, Dabaco đạt doanh thu hợp nhất 24.264 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch và tăng 3% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, vượt 5% so với mục tiêu đề ra và tăng gần 31% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2025, với giả định giá lợn hơi bình quân đạt 55.000 đồng/kg và dịch bệnh được kiểm soát, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 28.759 tỷ đồng, tăng gần 19%, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.007 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với năm trước.
Tập đoàn cũng định hướng đến năm 2030 sẽ đạt doanh thu từ 38.000 - 40.000 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với năm 2024. Giai đoạn 2026 - 2030, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm.
Một dấu ấn nổi bật trong quý I/2025 là việc Dabaco khánh thành Nhà máy sản xuất vắc xin Dacovet với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, công suất 200 triệu liều/năm. Đây là nhà máy vắc xin thứ 12 tại Việt Nam và cũng là nơi đầu tiên trong nước sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi – Dacovac-ASF2.
Trong năm nay, Dabaco sẽ triển khai hàng loạt dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thái Nguyên và Bắc Kạn; đồng thời mở rộng Nhà máy ép dầu giai đoạn II với công suất 1.000 tấn/ngày.
BAF đang xúc tiến thủ tục pháp lý để xây dựng dự án chăn nuôi heo nhà tầng đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng phục hồi khi dự kiến triển khai 13 dự án trang trại và cụm trang trại mới trong năm nay, với tổng quy mô lên tới 198.000 heo thịt và 41.000 heo nái. Tất cả được phát triển theo mô hình chăn nuôi khép kín nhằm nâng cao hiệu quả, giảm rủi ro dịch bệnh và tối ưu hóa chi phí.
Song song đó, BAF khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thịt tại Bình Phước với công suất 240 con/giờ và một nhà máy sản xuất thức ăn cám chay tại Bình Định có công suất 300.000 tấn/năm, phục vụ chuỗi trang trại hiện hữu và sắp vận hành tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Đáng chú ý, BAF đang xúc tiến thủ tục pháp lý để xây dựng dự án chăn nuôi heo nhà tầng đầu tiên tại Việt Nam. Tổ hợp này có quy mô 1.550 ha, bao gồm 4 tòa nhà khép kín với sức chứa 64.000 heo nái và 1,6 triệu heo thịt, cùng nhà máy sản xuất cám 600.000 tấn/năm.
Không khi đó, Công ty Cổ phần Masan MEATLife cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt 8.250 - 8.750 tỷ đồng, tăng 8 - 14% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 25 – 205 tỷ đồng, thể hiện kỳ vọng từ mức đi ngang cho đến tăng gấp hơn 4 lần so với năm trước.
Masan MEATLife cho biết sẽ tiếp tục chiến lược nâng giá trị thành phẩm mỗi con heo thịt lên 10 triệu đồng, tương ứng tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Đồng thời, đẩy mạnh mảng thịt chế biến với mục tiêu đóng góp 37% trong cơ cấu doanh thu.
Hệ thống "Meat Corner" bên trong WinMart và WinMart+ cũng được mở rộng, hướng đến tăng thị phần doanh số thịt chế biến trong chuỗi WinCommerce từ 16,6% lên 20% trong năm 2025, và đạt 40% trong dài hạn.
EBIT của Masan MEATLife được kỳ vọng cải thiện nhờ sự tăng trưởng từ mảng thịt chế biến, các sản phẩm có thương hiệu, cùng hiệu quả vận hành cao hơn từ mảng chăn nuôi gà sau khi tối ưu hóa quy mô.
Thanh Thắng