Chiều ngày 21/12, trò chuyện với chúng tôi về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa, tôm, anh Lê Văn Út, ấp Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho hay giá lúa ở vùng này bắt đầu giảm từ khoảng ngày 10/12 đến nay và tính đến thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg (tùy theo giống lúa). Bốc nắm lúa vàng óng đang phơi trên sân, anh Út cho biết: “Lúa này là giống OM18, lúc đầu vụ có giá hơn 9.000 đồng/kg, mấy ngày nay chỉ còn hơn 7.000 đồng/kg. Nếu mưa trái vụ thêm vài đám nữa, tôi nghĩ giá sẽ còn giảm thêm. Không riêng gì mấy giống lúa thơm nhẹ này đâu, mấy đứa em vợ tôi làm giống ST24 ở bên xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị) cho hay, giá lúa ST cũng đã giảm hơn 1.000 đồng/kg so với trước khi vào vụ, nên nông dân cũng mất vui”.
Một số diện tích trồng lúa ST kết hợp nuôi tôm càng, người dân chấp nhận gặt tay để giữ tôm đến cận Tết bán giá cao, bù đắp phần giá lúa giảm. Ảnh: TÍCH CHU
Qua cập nhật của người viết, giá lúa bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt ngay từ khi bước vào tháng 12, và tốc độ giảm ngày càng nhanh, mạnh phải kể đến là từ ngày 12 đến cuối tháng 12 này, trong đó, lúa thơm ST (ST24 và ST25) có mức giảm mạnh nhất với gần 2.000 đồng/kg. Cụ thể: vào ngày 12/12, giá lúa ST cao nhất được ghi nhận tại vùng lúa tôm huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang là 13.000 đồng/kg, đến ngày 15/12 chỉ còn 12.500 đồng/kg và liên tục giảm thêm, đến chiều ngày 24/12 chỉ còn quanh mức 11.000 - 11.200 đồng/kg. Tuy mức giá trên vẫn còn khá cao so với nhiều năm trước, nhưng phần đông người làm lúa cảm thấy thất vọng và có đôi chút lo lắng không biết giá lúa ST từ nay đến cận Tết liệu có còn giảm hơn nữa hay không.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân giá lúa ST đột ngột giảm mạnh đến khoảng 2.000 đồng/kg chỉ trong vòng 10 ngày, anh Huỳnh Chí Phương - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gạo Tôm cho biết, do vào đầu vụ thu hoạch, hầu hết các doanh nghiệp, nhà phân phối đều không còn lúa, gạo ST nên họ chấp nhận đẩy mức giá thu mua lúa ST mới thu hoạch lên cao để có đủ nguồn cung kịp thời cho khách hàng. Sau khi đã cơ bản đáp ứng nguồn cung cho nhu cầu khách hàng, tiến độ thu mua không còn dồn dập như lúc đầu vụ nữa. Mặt khác, cùng thời gian này, hầu hết các vùng trồng lúa thơm ST ven biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện mưa trái mùa khá lớn và liên tục trong nhiều ngày khiến chất lượng và tỷ lệ thu hồi gạo ST sau xay xát bị giảm, buộc doanh nghiệp giảm giá thu mua. Anh Huỳnh Chí Phương nhận định: “Quy luật cung - cầu thị trường và thời tiết là 2 nguyên nhân chính tác động làm giá lúa ST cũng như các giống lúa khác đang thu hoạch giảm mạnh trong thời gian gần đây”.
Thời gian tới, lượng lúa thơm ST được thu hoạch chủ yếu ở Kiên Giang và Bạc Liêu. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, do việc rửa mặn đầu vụ lúa bị chậm nên vùng trồng lúa ST lớn ở huyện An Minh xuống giống chậm hơn mọi năm, nên phải đến đầu tháng Chạp âm lịch mới vào vụ thu hoạch. Đây cũng là thời điểm 2 huyện trọng điểm trồng lúa ST của tỉnh Bạc Liêu là Hồng Dân và Phước Long bước vào thu hoạch. Đặc biệt là huyện Hồng Dân trước nay thường chỉ thu hoạch sau tết Nguyên đán nhưng năm nay nông dân gieo sạ sớm nhằm tránh hạn, mặn cuối vụ nên theo nhận định, nguồn cung lúa ST từ đầu tháng Chạp tới sẽ khá dồi dào.
Do có giá bán cao nên thị trường tiêu thụ gạo ST chủ yếu là nội địa, xuất khẩu chưa nhiều và thường rải rác trong năm chứ không xuất tập trung thời điểm như những loại gạo khác. Riêng thị trường nội địa, từ nay đến Tết nhu cầu sẽ rất cao, nhất là đối với gạo có chất lượng thơm ngon như ST. Mặt khác, năm nay, tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc, nhiều doanh nghiệp sẽ có mức thưởng Tết khá và một trong số quà Tết thường có thêm túi gạo ST. Do đó, theo nhận định của giới kinh doanh lúa gạo, tình hình tiêu thụ gạo ST từ nay đến Tết là rất thuận lợi, nên dù nguồn cung lúa ST dồi dào thì khả năng vẫn được tiêu thụ hết.
Tuy nhiên, khi được hỏi về mức giá thu mua lúa ST thời gian tới, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, chưa thể nói trước được mà còn tùy thuộc vào sức tiêu thụ thị trường, nhưng có điều gần như chắc chắn là những trà lúa ST thu hoạch từ ngày 15/12 âm lịch đến tết Nguyên đán sẽ rất khó bán được giá cao vì theo doanh nghiệp, nếu thu mua trong thời gian này sẽ không kịp làm hàng gạo Tết. Một thông tin mà người viết mới cập nhật là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần đây cũng đang trên đà giảm, với mức giảm của gạo trắng 5% tấm khoảng 17 USD/tấn, đưa giá xuất khẩu của loại này chỉ còn 485 USD/tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 19 tháng qua. Không chỉ có gạo 5% tấm, ở phân khúc gạo 25% tấm cũng ghi nhận mức giảm 11 USD/tấn xuống còn 459 USD/tấn.
Tuy có đôi chút thất vọng khi giá lúa đồng loạt giảm mạnh thời gian gần đây, nhưng mặt bằng giá lúa ở vụ Đông - Xuân sớm này nhìn chung vẫn còn ở mức khá cao so với trung bình nhiều năm trước. Hy vọng, mưa trái mùa sẽ dứt hẳn, thị trường tiêu thụ sẽ ấm lên để giá lúa trong thời gian tới vẫn đảm bảo ở mức cho nhà nông có được cái Tết vui vầy, đầm ấm.
TÍCH CHU