Những cư dân này là một phần trong hệ thống "giám hộ bất động sản", nơi người thuê nhà sống trong các tòa nhà bỏ hoang như trường học, thư viện và quán rượu để tránh mức giá thuê nhà tăng vọt ở Anh.
Live-in Guardians, công ty quản lý nhà thờ này, cho biết số lượng đơn đăng ký cư trú ngày càng tăng, đặc biệt là từ những người ở độ tuổi 30 và 40, do chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Thay vì ký hợp đồng thuê nhà, người thuê phải trả "phí cấp phép" hàng tháng, thường thấp hơn đáng kể so với tiền thuê nhà thông thường. Dù vậy, hình thức này không được pháp luật bảo vệ nhiều như hợp đồng thuê nhà truyền thống.
Các cư dân thường đối mặt với những bất tiện như không có nước máy uống được, trần nhà xuống cấp, và nguy cơ phải rời đi chỉ với 28 ngày thông báo.
Mặc dù điều kiện không lý tưởng, nhu cầu đối với mô hình này vẫn tăng vọt khi giá thuê nhà tại London đạt mức kỷ lục. Theo dữ liệu Chính phủ Anh, giá thuê trung bình tại thủ đô đã tăng 11,5% vào năm ngoái, lên đến 2.220 bảng Anh (khoảng 2.764 USD) mỗi tháng.
Đối với nhiều người, "giám hộ bất động sản" không còn là một lựa chọn lối sống mà đã trở thành giải pháp cuối cùng để tránh bị cuốn vào vòng xoáy thuê nhà đắt đỏ.
Những người ủng hộ Liên đoàn Người thuê nhà London diễu hành qua London vào tháng 12/2024 để yêu cầu kiểm soát tiền thuê nhà trên khắp nước Anh. Ảnh: GI
Luke Williams, một người thuê bất động sản 45 tuổi, đã tiết kiệm hàng nghìn bảng tiền thuê nhà bằng cách sống trong một tòa nhà văn phòng cũ ở phía đông London suốt 6 năm. Dù có công việc ổn định với thu nhập tốt, anh cho biết giá thuê "điên rồ" ở London buộc anh phải chọn cách sống này.
Mô hình giám hộ không chỉ giúp người thuê tiết kiệm tiền mà còn là giải pháp giúp chủ sở hữu bất động sản có thể ngăn chặn tình trạng chiếm dụng trái phép mà không phải chi tiền cho an ninh 24/7.
Thực tế, hệ thống này bắt nguồn từ Hà Lan vào những năm 1980 và ban đầu thu hút các nghệ sĩ, nhạc sĩ tìm kiếm không gian rộng rãi với giá rẻ. Nhưng ngày nay, nhiều người tìm đến nó đơn giản vì không còn lựa chọn nào khác.
Theo Hiệp hội Nhà cung cấp Dịch vụ Giám hộ Tài sản (PGPA), số lượng người sống theo mô hình này tại Anh đã tăng lên hơn 13.500 người, trong khi số người thuê nhà qua thị trường tư nhân lên đến 11 triệu. PGPA báo cáo rằng năm 2023 có khoảng 50.000 đơn đăng ký, tăng hơn 2/3 so với năm trước đó.
Graham Sievers, chủ tịch PGPA, cho biết nhu cầu giám hộ bất động sản đang ở mức cao nhất kể từ khi mô hình này xuất hiện ở Anh cách đây 20 năm. Đặc biệt, sự gia tăng của các không gian văn phòng bị bỏ trống sau đại dịch đang mở ra nhiều cơ hội hơn để tận dụng những bất động sản này làm nơi ở tạm thời.
Tuy nhiên không phải ai cũng hài lòng với mô hình này. Louis Goss, một nhà báo 29 tuổi, từng làm người giám hộ tại 4 bất động sản, từ đồn cảnh sát cũ đến ký túc xá sinh viên. Ban đầu, anh thích cuộc sống này vì chi phí thấp và sự tự do. Nhưng theo thời gian, anh nhận ra rằng nhiều người không chọn giám hộ vì muốn trải nghiệm, mà vì đó là lựa chọn duy nhất họ có thể chi trả.
Goss nhớ lại khoảng thời gian sống trong một đồn cảnh sát bỏ hoang ở Chelsea, nơi anh và 50 người khác tổ chức tiệc tùng trong các phòng giam. Khi đó, mức phí anh phải trả chỉ là 500 bảng Anh mỗi tháng, bằng một nửa so với tiền thuê thông thường trong khu vực.
Nhưng đến năm 2021, tình hình thay đổi khi ngày càng có nhiều người ở độ tuổi 30 tìm đến mô hình này để tiết kiệm tiền trong bối cảnh giá thuê ngày càng cao.
Mô hình sống tạm bợ này không thể thay thế nhu cầu sở hữu nhà ở lâu dài. Theo Chính phủ Anh, mỗi năm cần xây dựng khoảng 300.000 căn hộ mới để đáp ứng nhu cầu, nhưng tốc độ xây dựng hiện tại vẫn chưa theo kịp.
Trong khi đó, giá nhà trung bình tại London đã vượt quá nửa triệu bảng Anh (khoảng 635.000 USD), khiến giấc mơ sở hữu nhà của nhiều người ngày càng xa vời.
Hoài Phương (theo CNN, NYP)