Thị trường cà phê đảo chiều
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet
Trên thị trường London vào lúc 5 giờ sáng ngày 18/7/2025, giá cà phê Robusta đã đảo chiều sụt giảm sau phiên tăng trước đó, với mức hạ dao động từ 99 – 115 USD/tấn, đưa giá giao dịch về khoảng 3.201 – 3.462 USD/tấn. Chi tiết các mức giá theo kỳ hạn: tháng 9/2025 đạt 3.312 USD/tấn, tháng 11/2025 là 3.288 USD/tấn, tháng 1/2026 được ghi nhận ở mức 3.254 USD/tấn, tháng 3/2026 là 3.232 USD/tấn và tháng 5/2026 là 3.217 USD/tấn.
Tại sàn New York, giá cà phê Arabica cũng ghi nhận điều chỉnh giảm sau hai phiên tăng liên tiếp, biên độ dao động từ 1,25 – 2,70 cent/lb, giá nằm trong khoảng từ 281.45 – 309.95 cent/lb. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 9/2025 ở mức 307.20 cent/lb, tháng 12/2025 đạt 298.70 cent/lb, tháng 3/2026 là 290.90 cent/lb và tháng 5/2026 đạt 284.80 cent/lb.
Các khung giờ giao dịch cà phê như sau: Sàn ICE Futures Europe (London) hoạt động từ 16:00 đến 00:30 hôm sau giờ Việt Nam; sàn ICE Futures US (New York) từ 16:15 đến 01:30 hôm sau; trong khi đó, sàn B3 Brazil giao dịch cà phê Arabica từ 19:00 đến 02:35 hôm sau.
Thị trường trong nước: Cà phê hồi phục mạnh
Theo ghi nhận lúc 5 giờ sáng nay (18/7/2025), giá cà phê nội địa đã bật tăng trở lại với mức tăng dao động từ 800 – 900 đồng/kg, sau khi giảm trong phiên hôm qua. Tại các khu vực trọng điểm, giá cà phê trung bình đang ở mức 92.300 đồng/kg.
Tại tỉnh Lâm Đồng, thương nhân hiện mua cà phê ở mức 92.500 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với ngày trước.
Ở tỉnh Đắk Lắk, mức giá thu mua đạt 92.500 đồng/kg, ghi nhận mức tăng 900 đồng/kg so với hôm qua.
Tỉnh Gia Lai cũng ghi nhận mức tăng 800 đồng/kg, đưa giá cà phê lên mức 92.300 đồng/kg.
Tại địa bàn phường 1 Bảo Lộc, xã Hòa Ninh, xã Đức Trọng và xã Đinh Văn Lâm Hà (Lâm Đồng), mức giá hiện là 92.000 đồng/kg, tăng thêm 800 đồng/kg so với ngày trước.
Theo nhận định chuyên gia, sự phục hồi của giá cà phê là do các nhà giao dịch đang đẩy mạnh xuất khẩu từ Brazil sang Mỹ trước khi mức thuế 50% có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.
Nguyên nhân là bởi khi mức thuế này được áp dụng, nó sẽ gần như chặn hoàn toàn nguồn cung cà phê từ Brazil tới Mỹ. “Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết hiện đang có các cuộc đàm phán ở giai đoạn nâng cao liên quan đến thương mại cà phê với Mỹ.”
Tuy nhiên, giới phân tích thị trường cho rằng trong thời gian tới giá cà phê có thể tiếp tục điều chỉnh giảm ở biên độ vừa phải, do sự tác động từ giới đầu cơ tài chính và tình hình cung ứng dần cải thiện. Thời tiết tại các quốc gia sản xuất cà phê lớn như Việt Nam, Brazil… được dự báo ổn định, không xuất hiện hạn hán, qua đó hỗ trợ nguồn cung.
Giá tiêu giữ vững trạng thái ổn định
Giá tiêu được cập nhật vào 5 giờ sáng 18/7/2025 cho thấy thị trường không ghi nhận biến động mới, mức giá trung bình tại các khu vực trọng điểm là 139.200 đồng/kg.
Tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay không thay đổi so với hôm qua, hiện thương lái thu mua với mức 138.000 đồng/kg.
Ở Đắk Lắk, giá tiêu tiếp tục đi ngang, hiện được giao dịch ở mức 140.000 đồng/kg, không có thay đổi so với phiên trước.
Tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường tiêu vẫn duy trì ổn định với mức giá thu mua là 139.000 đồng/kg.
Tỉnh Đồng Nai cũng không ghi nhận biến động, mức giá hiện là 139.000 đồng/kg.
Tại Lâm Đồng, giá tiêu hôm nay không có sự thay đổi, hiện ở mức 140.000 đồng/kg theo ghi nhận từ các đầu mối thu mua.
Diễn biến giá tiêu thế giới
Dữ liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) vào 5 giờ ngày 18/7/2025 cho thấy thị trường thế giới vẫn giữ trạng thái ổn định, không thay đổi so với phiên giảm trước đó.
Cụ thể, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) đang được giao dịch ở mức 7.222 USD/tấn, trong khi tiêu trắng Muntok đạt mức 10.066 USD/tấn.
Tại Malaysia, thị trường cũng không ghi nhận biến động; giá tiêu đen ASTA duy trì ở mức 8.900 USD/tấn và tiêu trắng ASTA ở ngưỡng 11.750 USD/tấn.
Brazil cũng chứng kiến giá tiêu ổn định trở lại sau phiên giảm trước đó, mức giá hiện là 5.750 USD/tấn.
Giá tiêu xuất khẩu từ Việt Nam vẫn giữ nguyên so với phiên giao dịch trước, với tiêu đen loại 500 g/l ở mức 6.440 USD/tấn, loại 550 g/l là 6.570 USD/tấn, còn tiêu trắng ở mức 9.150 USD/tấn.
Vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
“Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết đã gửi kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình xin cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng gia vị.”
Theo Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quyền cấp giấy chứng nhận này đã được chuyển giao cho các cơ quan cấp tỉnh. Tuy nhiên, do không kế thừa đầy đủ nội dung hướng dẫn từ Thông tư 44/2018/TT-BNNPTNT, một số địa phương lúng túng trong thực hiện, dẫn đến tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận.
Việc trì hoãn trong quá trình cấp phép đã gây ra nhiều bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, khi hàng hóa bị trì hoãn thông quan, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện hợp đồng và gây tổn thất tài chính.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong ngành gia vị hiện gặp khó khăn lớn khi không thể kịp thời đáp ứng yêu cầu về giấy chứng nhận từ các thị trường khó tính như EU. Điều này không chỉ khiến tiến trình xuất khẩu bị gián đoạn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, kế hoạch sản xuất và uy tín đối với đối tác quốc tế.
Lan Lê