Ảnh minh họa. Ảnh: Internet
So với ngày 24/4/2025, giá cà phê bất ngờ tăng trở lại với mức tăng khoảng 1.100 đồng/kg tại hầu hết các tỉnh thành. Hồ tiêu cũng ghi nhận đợt tăng mạnh sau nhiều phiên chững giá, với mức tăng dao động từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với hôm qua.
Trước đó, trong các ngày 24/4 và 23/4/2025, giá cà phê liên tiếp điều chỉnh giảm nhẹ trong khi hồ tiêu vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Riêng ngày 22/4/2025, giá hồ tiêu quay đầu giảm nhẹ còn cà phê giữ mức ổn định.
Cà phê bật tăng ấn tượng
Tại sàn London vào 5 giờ sáng 25/4/2025, giá cà phê Robusta tiếp tục giữ đà tăng so với phiên liền trước, với mức điều chỉnh từ 58 - 78 USD/tấn, đưa giá lên trong khoảng từ 5.150 - 5.411 USD/tấn. Trong đó, hợp đồng giao tháng 5/2025 được chốt ở 5.387 USD/tấn, tháng 7/2025 đạt 5.427 USD/tấn, tháng 9/2025 ghi nhận 5.369 USD/tấn và tháng 11/2025 đạt 5.300 USD/tấn.
Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica sáng sớm ngày 25/4 cũng tăng mạnh trở lại, nhích từ 10,55 - 13,05 cent/lb, dao động trong khoảng 360.25 - 399.80 cent/lb. Chi tiết hơn, kỳ hạn tháng 7/2025 được giao dịch ở mức 398.80 cent/lb; tháng 9/2025 đạt 391.30 cent/lb; tháng 12/2025 là 381.85 cent/lb và tháng 3/2026 là 374.75 cent/lb.
Theo ghi nhận cuối phiên, giá cà phê Arabica Brazil biến động nhẹ giữa các kỳ hạn giao hàng, trong khung 467.00 - 525.25 USD/tấn. Cụ thể, hợp đồng tháng 5/2025 đạt 517.00 USD/tấn; tháng 7/2025 là 478.00 USD/tấn; tháng 9/2025 đạt 476.00 USD/tấn và tháng 12/2025 là 467.00 USD/tấn.
Giá cà phê nội địa tiếp đà tăng
Vào lúc 5 giờ sáng nay 25/4/2025, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên đồng loạt tăng mạnh khoảng 1.100 đồng/kg so với ngày trước đó, đưa giá thu mua trung bình lên mức 130.400 đồng/kg.
Ở từng địa phương, giá cà phê tại Đắk Lắk ghi nhận 130.500 đồng/kg, trong khi tại Lâm Đồng ở mức 130.000 đồng/kg. Tại Gia Lai, cà phê được thu mua với giá 130.400 đồng/kg và Đắk Nông có cùng mức giá với Đắk Lắk là 130.500 đồng/kg.
Quy định chống phá rừng mới của EU (EUDR), biến đổi khí hậu và yêu cầu truy xuất nguồn gốc đang gây sức ép lớn lên các nước xuất khẩu nông sản, đặc biệt là Việt Nam. Với việc sản xuất chủ yếu do các hộ nông dân quy mô nhỏ đảm nhiệm, Việt Nam đang gặp khó trong việc tuân thủ các quy định khắt khe từ EUDR.
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sự thiếu nhất quán trong hệ thống bản đồ rừng giữa các tỉnh là rào cản lớn cho việc xác định vùng đủ điều kiện xuất khẩu. Thêm vào đó, chi phí để cấp chứng nhận cho từng vùng nhỏ cũng rất tốn kém.
Ngoài ra, khoảng 15-20% diện tích trồng cà phê tại Việt Nam vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong việc chứng minh tính hợp pháp theo yêu cầu của thị trường châu Âu. Đây được xem là những trở ngại lớn mà ngành cà phê cần vượt qua để giữ vững vị thế xuất khẩu.
Hồ tiêu tăng giá bất ngờ
Vào 5 giờ sáng ngày 25/4/2025, thị trường hồ tiêu nội địa bất ngờ tăng giá mạnh sau thời gian dài đi ngang, mức tăng ghi nhận từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với phiên trước. Giá thu mua trung bình hiện đạt khoảng 156.300 đồng/kg tại các khu vực trọng điểm.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu tăng thêm 1.500 đồng/kg, hiện đang được thu mua với giá 155.500 đồng/kg.
Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chứng kiến mức tăng mạnh trở lại với 2.000 đồng/kg, đưa giá lên 156.000 đồng/kg.
Tại Bình Phước, giá tiêu cũng tăng mạnh tương đương 2.000 đồng/kg, hiện đạt 156.000 đồng/kg.
Giá thu mua tiêu tại Đắk Nông và Đắk Lắk cùng tăng 2.000 đồng/kg sau nhiều phiên không biến động, hiện đã lên tới 157.000 đồng/kg.
Giá tiêu thế giới có biến động trái chiều
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) vào lúc 5 giờ ngày 25/4/2025, thị trường tiêu toàn cầu đang có xu hướng giảm nhẹ. Trong đó, tiêu tại Indonesia tiếp tục đà giảm, còn Malaysia chuyển từ ổn định sang giảm mạnh với mức giảm từ 200 - 300 USD/tấn. Các nước khác ghi nhận giá vẫn giữ ổn định.
Tại Indonesia, giá tiêu đen Lampung hiện ở mức 7.102 USD/tấn; còn tiêu trắng Muntok đang được bán với giá 9.612 USD/tấn.
Ở Malaysia, sau nhiều ngày đi ngang, giá tiêu đen ASTA hiện được giao dịch ở mức 9.300 USD/tấn và tiêu trắng ASTA ở mức 11.900 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu Brazil không thay đổi so với phiên trước, giữ ở mức 6.900 USD/tấn.
Tại thị trường Việt Nam, giá tiêu xuất khẩu vẫn ổn định sau đợt tăng gần đây. Giá tiêu đen loại 500 g/l hiện được chào bán ở mức 6.800 USD/tấn, loại 550 g/l là 6.900 USD/tấn và tiêu trắng duy trì ở mức 9.800 USD/tấn.
Sự tăng giá tiêu trong nước chủ yếu xuất phát từ nguồn cung khan hiếm sau vụ thu hoạch và tâm lý găm hàng chờ giá cao của nông dân. Trong khi đó, thị trường thế giới vẫn neo ở mức giá tốt, tạo đòn bẩy cho đà tăng trong nước.
Nếu nhu cầu nhập khẩu từ các khu vực lớn như Trung Đông và châu Âu tăng trong quý II, giá tiêu nội địa có thể còn tiếp tục đi lên. Những vùng có chất lượng tiêu cao như Đắk Lắk và Đắk Nông được đánh giá sẽ có nhiều lợi thế trong giai đoạn này.
Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch và 77% sản lượng tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu 10% mà Mỹ đang áp dụng đang gây ra áp lực không nhỏ. Một số nhà nhập khẩu đã ngưng mua hàng, tạo cơ hội cạnh tranh cho Brazil và Indonesia – nơi có mức thuế thấp hơn.
Việt Nam cũng đang đối diện với nguy cơ bị áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với mặt hàng hồ tiêu, khiến người trồng có xu hướng tích trữ hàng chờ giá cao hơn, làm cho nguồn cung càng trở nên khan hiếm.
Ông Ngô Bá Lương, Quản lý vùng nguyên liệu hồ tiêu phía Nam của Công ty Hương Gia Vị Sơn Hà, cho biết: “Phần lớn lượng tiêu của doanh nghiệp được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.”
Tuy vậy, việc nông dân bảo quản tiêu trong các bao tải hoặc bạt trải không đạt chuẩn có thể dẫn đến tình trạng tiêu bị nhiễm chất sudan đỏ – loại phẩm màu công nghiệp bị cấm dùng trong thực phẩm.
Để hỗ trợ người dân, một số doanh nghiệp đã cho mượn kho chứa tiêu tạm thời và tranh thủ xuất hàng theo hợp đồng cũ trước khi mức thuế mới được ban hành. Nhiều đối tác nước ngoài hiện cũng đang đẩy nhanh tiến độ nhận hàng trong khoảng thời gian 90 ngày còn lại.
Ông Lương chia sẻ thêm rằng doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực thích nghi và kỳ vọng các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế sẽ sớm có kết quả tích cực. Trong khi chờ đợi, các bên vẫn giữ liên lạc để tìm hướng giải quyết, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.
Lan Lê