Bước vào tháng 5, sầu riêng khu vực miền Tây vào chính vụ thu hoạch, song giá thu mua lại không đạt như kỳ vọng, khiến nhà vườn lẫn thương lái mang nhiều lo ngại về đầu ra và doanh thu.
Giá sầu riêng thấp ngay trong chính vụ
Theo ghi nhận, trong các hội nhóm thu mua sầu riêng miền Tây, giá sầu riêng hôm nay (ngày 4-5) đối với Ri 6 loại A chỉ quanh mức 50.000 – 57.000 đồng/kg, trong khi sầu riêng Thái là 70.000 – 75.000 đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá này chỉ bằng một phần ba.
Tại khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước), giá thu mua sầu riêng cao hơn khu vực miền Tây 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều nhà vườn cũng đăng bài bán sầu riêng miền Tây “bao hư, sượng, cháy múi” với giá chỉ từ 55.000 - 75.000/kg/trái loại A, và 30.000 - 40.000 đồng/kg loại B.
Sầu riêng bày bán trên vỉa hè tại Cai Lậy - Tiền Giang. ẢNH: NGỌC TIÊN
Nói với PLO, chị Nhung, thương lái thu mua sầu riêng tại thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) xác nhận giá sầu riêng đang xuống thấp và chậm đầu ra, nhiều nhà vườn khu vực miền Tây đã đưa sầu riêng bày bán ven đường. Đáng chú ý giá bán khá rẻ chỉ từ 30.000 – 40.000 đồng/kg và đảm bảo đổi trả khi cơm hư hỏng.
Cũng theo chị Nhung, mấy tháng nay vựa của chị đã tạm dừng thu mua sầu riêng từ nông dân vì lo ngại không đảm bảo yêu cầu kiểm dịch và gặp khó ở đầu ra. Chỉ thi thoảng có hàng đẹp, đảm bảo chất lượng thì vựa của chị mới xuất đi được 1 - 2 container.
Theo chị, những khó khăn trong vấn đề kiểm dịch đã làm cho nhiều vùng trồng chưa kịp cập nhật tiêu chuẩn mới, đặc biệt là dư lượng kim loại nặng và nguồn gốc phân bón. Điều này tác động tới giá thu mua sầu riêng tại vườn.
"Theo tôi cập nhật, hiện giá sầu riêng lên xe, tức là đã bao gồm chi phí nhân công cắt, chở về kho, vệ sinh quả… chỉ 50.000 đồng/kg đối với Ri 6, trong khi thu mua tại vườn chỉ quanh mức 30.000 đồng/kg, thậm chí ít hơn với hàng dạt”- chị Nhung nói.
Cần nhiều thay đổi
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, hiện nay miền Tây bước vào chính vụ nên sản lượng sầu riêng ra thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu lại khá chậm, dẫn tới lượng hàng dôi dư trong nội địa cao, đã dẫn tới tình trạng nhà vườn bán lẻ trên vỉa hè.
Cũng theo vị này, tình hình khó khăn của thị trường sầu riêng không phải mới đây và cũng không phải là cục bộ. Trong quý I-2025, Trung Quốc chỉ chi hơn nửa tỉ USD cho nông sản Việt, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, lý do chính của sự sụt giảm này là ở sầu riêng.
Giá sầu riêng đang giảm ở cả xuất khẩu và bán lẻ. ẢNH MINH HỌA: THU HÀ
"Từ cuối năm 2024 tới nay, Trung Quốc tăng cường và siết chặt kiểm soát chất cadimi và vàng O khiến các nước xuất khẩu sầu riêng, trong đó có Việt Nam trở tay không kịp. Cạnh đó nhu cầu thị trường yếu cũng không còn như trước, bởi các vấn đề thuế quan từ Mỹ khiến kinh tế Trung Quốc không tránh khỏi ảnh hưởng, kéo theo tiêu dùng những mặt hàng xa xỉ như sầu riêng giảm" - ông Mười phân tích.
Để giải quyết tình hình này, ông Mười cho rằng rất cần sự chung tay của cơ quan chức năng. Chính phủ cần tiếp tục tăng cường trao đổi và gỡ khó với Trung Quốc trong vấn đề xuất khẩu hàng hóa, nhất là đàm phán về việc Trung Quốc cần tăng số lượng nhân sự kiểm định chất vàng O và Cadimi ở khâu nhập khẩu vào nước này.
Theo ông Mười, với sản lượng sầu riêng lớn, nếu nước bạn tăng cường nhân sự thì thời gian kiểm định cũng được rút ngắn, từ đó thúc đẩy vấn đề thông quan nhanh hơn.
Đồng thời, nhà vườn cũng nên chủ động nâng cao chất lượng vùng trồng, doanh nghiệp thì chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào 1 thị trường. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các phương án chế biến sâu, tạo ra nhiều thành phẩm từ sầu riêng và áp dụng các kỹ thuật cấp đông đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
"Về phía nhà vườn, chúng tôi đề xuất cần phải xét nghiệm, lấy mẫu trực tiếp tại vườn. Nông dân, nhà vườn cần chủ động kiểm định các chất ít nhất nửa tháng trước khi thu hoạch để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng.
Cạnh đó, cần tuyên truyền hơn nữa việc sử dụng phân bón đúng cách, tránh dùng hàng nhập khẩu chứa chất cấm, ảnh hưởng tới sản phẩm khi thu hoạch..."- ông Mười nói.
Cần phát triển thêm thị trường nội địa
Ông Nguyễn Văn Mười cho rằng, các doanh nghiệp nên xem thị trường nội địa là thị trường tiềm năng với sức tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng này, doanh nghiệp cần cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng tốt với giá cả hợp lý.
Lấy ví dụ về các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị trả về do vấn đề an toàn thực phẩm, ông Mười cho rằng nên được tiêu hủy ngay, không được bán lại trong nước. Điều này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước, đồng thời góp phần xây dựng thị trường tiêu thụ nội địa lành mạnh.
THU HÀ