Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết

Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết
15 giờ trướcBài gốc
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 10/7, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 370 ca mắc bệnh SXH, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2024. Ðáng quan tâm là số ca diễn biến nặng gia tăng.
Bác sĩ Bùi Kim Ðắng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: "Khoa đã tiếp nhận điều trị 72 ca, trong đó 20 ca có dấu hiệu cảnh báo và 3 ca bệnh nặng phải điều trị tích cực. Hiện nay, dấu hiệu bệnh SXH không điển hình như trước đây, nên người dân thường nhầm lẫn với các bệnh khác, dẫn đến điều trị muộn. Bệnh viện đã phân tuyến để đảm bảo hiệu quả điều trị”.
Ðiều trị cho trẻ mắc SXH tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.
Ông Dương Văn Huỳnh (Phường Lý Văn Lâm), người thân một bệnh nhi, chia sẻ: “Ban đầu bé bị nóng sốt, gia đình mua thuốc cho bé uống nhưng không bớt nên đưa bé đi làm xét nghiệm, cho kết quả mắc bệnh SXH. Gia đình liền chở bé đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau khám, các bác sĩ chỉ định nhập viện. Qua điều trị, hiện sức khỏe bé đã ổn”.
Trong những ngày đầu tháng 7, số ca nhập viện điều trị SXH tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tăng, trong đó 20% ca cảnh báo và trên 20% ca nặng, tất cả các ca bệnh nặng đều được điều trị khỏi và xuất viện. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp bệnh nặng và tử vong, thực hiện theo chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc cần thiết...
Bác sĩ Trần Thiên Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi đã tập huấn cho các bác sĩ về phác đồ điều trị SXH, đặc biệt là nhận diện sớm các trường hợp mắc SXH để điều trị kịp thời, tránh trường hợp biến chứng nặng. Bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phục vụ công tác điều trị, nhất là sẵn sàng tiếp nhận các ca bệnh nặng. Bệnh viện cũng phối hợp với Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật), tăng cường công tác truyền thông nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức về phòng bệnh SXH cũng như những dấu hiệu nhận biết bệnh nặng cần đến bệnh viện điều trị”.
Nhân viên y tế theo dõi sát ca bệnh để tránh SXH diễn biến nặng tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau).
Trước đây bệnh SXH chỉ xảy ra ở trẻ em, tuy nhiên hiện nay người lớn cũng mắc bệnh và tỷ lệ biến chứng nặng khá cao, đặc biệt là những người có miễn dịch kém và người mắc bệnh nền.
Hiện nay là cao điểm của dịch bệnh SXH, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng. Trẻ mắc bệnh SXH nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tử vong.
Ðể bảo vệ sức khỏe, mỗi người dân cần cảnh giác và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH tại gia đình như: diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Theo dõi chặt chẽ, nếu phát hiện có các dấu hiệu của bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị tại nhà nếu sốt kéo dài quá 2 ngày hoặc có dấu hiệu bất thường.
Bác sĩ Bùi Kim Ðắng khuyến cáo: “Khi trẻ có các dấu hiệu như: sốt, vật vã, li bì, nôn ói, có xuất huyết niêm mạc, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, ở nữ có xuất huyết âm đạo, thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt, cần nới rộng quần áo, cho trẻ uống nhiều nước và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng”.
Minh Khang
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/gia-tang-ca-mac-sot-xuat-huyet-a120811.html