Gia tăng chỉ số ô nhiễm nước ngầm

Gia tăng chỉ số ô nhiễm nước ngầm
7 giờ trướcBài gốc
Công nhân Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Đồng Nai chuẩn bị lấy mẫu nước quan trắc. Ảnh: H.LỘC
Trong bối cảnh này, phát triển mạng lưới nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất là giải pháp hạn chế gia tăng ô nhiễm nguồn nước.
Hơn 220 lần vượt quy chuẩn
Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) mới có báo cáo kết quả quan trắc mực nước và chất lượng nước năm 2024. Theo đó, năm qua, sở thực hiện quan trắc tại 115 công trình trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Từ kết quả quan trắc cho thấy, mực nước ngầm có thay đổi theo mùa nhưng không nhiều, chất lượng nước đáng báo động ở nhiều khu vực.
Cụ thể, về mực nước, mùa khô năm 2024, mực nước suy giảm đáng kể. Các khu vực có diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhiều như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Thống Nhất và Long Khánh có mực nước suy giảm nhiều hơn so với các địa phương còn lại. Cá biệt, có một vài công trình ở huyện Cẩm Mỹ cạn nước trong 2-3 tháng liền. Nguyên nhân là do ít mưa, trong khi nhu cầu nước tưới cho cây trồng lớn, dẫn đến gia tăng khai thác nước ngầm.
Vào mùa mưa năm 2024, mực nước dần phục hồi. Đến cuối mùa mưa, mực nước đã tăng cao trở lại và giúp cho trữ lượng nước ngầm đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu tưới cây và sinh hoạt của người dân trong năm 2025.
Về chất lượng nước, năm qua, có 223 lần cơ quan chức năng phát hiện các thông số vượt chuẩn so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất (QCVN 09:2023/BTNMTdo Bộ TNMT ban hành năm 2023). Trong đó chủ yếu là chỉ số pH, Amon và các kim loại nặng như: Fe, Mn, Pb.
Theo Sở TNMT, tới đây, sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng đối với chính sách, pháp luật về tài nguyên nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Huyện Long Thành là địa phương dẫn đầu với 55 lần phát hiện thông số quan trắc vượt quy chuẩn cho phép, tiếp đến là huyện Nhơn Trạch có 44 lần phát hiện thông số vượt quy chuẩn và thành phố Biên Hòa cũng 44 lần phát hiện thông số vượt chuẩn. Đây đều là những địa phương có nhiều khu công nghiệp, có tỷ lệ đô thị hóa cao, dân số đông.
Theo Phó giám đốc Sở TNMT Trần Trọng Toàn, các khu vực phát hiện thông số vượt quy chuẩn đa phần đều không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT do Bộ Y tế ban hành năm 2018). Do đó, các địa phương cần khuyến cáo để người dân hạn chế khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất cho mục đích sinh hoạt.
Không khai thác, sử dụng nước ngầm để sinh hoạt tại những khu vực đã có nguồn nước cấp nhằm đảm bảo sức khỏe người dân, bảo vệ nguồn nước ngầm. Đối với các khu vực chưa có nguồn nước cấp, người dân buộc phải sử dụng nước ngầm thì phải có biện pháp xử lý trước khi sử dụng.
Đẩy nhanh phát triển mạng lưới nước cấp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khu vực chưa có mạng lưới cấp nước, nhưng cũng có khu vực dù đã có mạng lưới cấp nước song người dân không sử dụng. Điều này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, vừa gia tăng các nguy cơ cạn kiện và ô nhiễm nguồn nước ngầm, sụt lún. Giải pháp đặt ra là đẩy mạnh phát triển mạng lưới nước cấp, tuyên truyền người dân chuyển sang sử dụng nước cấp.
Tại Đề án Cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay, tỷ lệ bao phủ mạng lưới nước sạch tại các đô thị đạt 100% và 90% dân số đô thị sử dụng nước cấp. Còn tại nông thôn, phương án ưu tiên là nâng cấp các công trình cấp nước sạch nông thôn còn hoạt động hiệu quả, mở rộng đấu nối mạng lưới cấp nước đô thị để 85% dân số được sử dụng nước sạch (trong đó tỷ lệ hộ dân dùng nước cấp từ 2 nguồn khoảng 55%).
Nhóm giải pháp tỉnh quan tâm là tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xã, phường, thị trấn; chính sách hỗ trợ đầu tư công trình vào nông nghiệp, nông thôn và tạo điều kiện về đất đai, thủ tục cho các dự án nước sạch. Tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang sử dụng nước cấp để bảo vệ sức khỏe. Huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường nước sạch nông thôn.
Đơn vị đang cung cấp hơn 85% nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai Phạm Thị Hồng cho biết, năm qua, công ty đã đầu tư thêm 8 dự án/công trình tuyến ống cấp nước với tổng chiều dài khoảng 97km, kinh phí 153 tỷ đồng (chưa kể các tuyến ống mở rộng mạng lưới nhỏ); trong đó, chiếm đến 99% là cho khu vực nông thôn. Qua đó, nâng tổng lượng nước sạch cung cấp trong năm lên khoảng 119 triệu m3.
Năm 2025, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai có kế hoạch đầu tư 18 dự án/công trình tuyến ống cấp nước với tổng chiều dài khoảng 255km (gấp 2,6 lần năm 2024). Trong đó có 13 dự án/công trình tuyến ống đầu tư tại khu vực nông thôn với chiều dài lắp đặt khoảng 241km, tổng kinh phí dự kiến khoảng 155 tỷ đồng.
Trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành, Phó giám đốc Sở TNMT Nguyễn Ngọc Thường cho biết, sở đã hoàn thành xây dựng Dự thảo Chỉ thị tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên nước dưới đất; Chiến lược Phát triển nguồn nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, hoàn thành báo cáo UBND tỉnh tiến độ thực hiện nhiệm vụ hạn chế khai thác nước dưới đất... Đây là những quy định nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên nước, giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Hoàng Lộc
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/gia-tang-chi-so-o-nhiem-nuoc-ngam-e7e67ad/