Chuyển mạnh sang mô hình xanh – tuần hoàn
Những ngày này, vườn nho của hộ anh Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng, Hà Nội) luôn tập nập du khách vào ra. Ai nấy đều thích thú nhìn ngắm những chùm nho trĩu quả, căng mọng. Nhà vườn đón khách từ sáng sớm đến chiều muộn. Du khách đến vườn nho có thể chụp ảnh, check-in, mua những chùm nho thơm ngon về thưởng thức, hay gửi tặng bạn bè, người thân.
Vườn nho Hợi Hường (xã Đan Phượng, Hà Nội) vừa bán nho, vừa kết hợp tổ chức du lịch trải nghiệm cho du khách. Ảnh: Lâm Nguyễn
Anh Nguyễn Hữu Hợi, chủ vườn nho Hợi Hường chia sẻ, hiện nay đơn vị vừa bán nho, vừa kết hợp tổ chức du lịch trải nghiệm cho du khách. Hiện mỗi ngày, vườn nho vẫn đón bình quân vài chục khách; dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, có ngày khu vườn đón cả trăm người ghé thăm.
Hiện nay trên địa bàn huyện Đan Phượng, ngoài hộ anh Hợi, còn có hàng chục gia đình khác đang phát triển mô hình trồng nho hạ đen kết hợp làm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Nguồn thu kép từ mô hình canh tác nông nghiệp xanh, theo hướng sinh thái khiến các hộ dân hết sức phấn khởi.
Nông trại hữu cơ Tuệ Viên cũng trồng rau theo phương pháp tự nhiên, sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ, vỏ trấu, phụ phẩm chăn nuôi. Bà Nguyễn Thanh Phương, phụ trách kinh doanh trang trại cho hay, với diện tích rộng hơn 2ha, chúng tôi chuyên trồng rau củ theo mùa. Quá trình canh tác hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học.
Đáng chú ý, nắm bắt xu hướng sống xanh, khai thác lợi thế có vùng sản xuất sạch nằm ngay trung tâm TP, những năm gần đây, trang trại đã mở dịch vụ đón khách tham quan, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp. Hiện, mỗi tháng, trang trại đón hàng chục đoàn khách chủ yếu là học sinh mầm non, tiểu học các trường trên địa bàn Hà Nội và các gia đình sống ở trung tâm TP.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, tuy chỉ chiếm khoảng 2% trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô, nhưng nông nghiệp Hà Nội luôn nằm trong top đầu cả nước về quy mô, giá trị sản xuất và mức độ phát triển. Đặc biệt, gần đây, định hướng nông nghiệp của Hà Nội đã có bước chuyển mạnh mẽ sang mô hình xanh - tuần hoàn, phục vụ nhóm người tiêu dùng có yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Thay vì hướng tới đáp ứng toàn bộ nhu cầu về thực phẩm, Hà Nội xác định liên kết vùng để bổ trợ cho nông sản (thịt lợn, bò...); chủ động sản xuất các mặt hàng thế mạnh như trứng gà, rau sạch, gạo đặc sản, cây cảnh... đáp ứng nhu cầu của thành phố và xuất khẩu.
Tạo không gian xanh cho phát triển đô thị
Nói về định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn TP. Tuy nhiên, với quan điểm thận trọng và bền vững, TP đã điều chỉnh theo hướng cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, chú trọng đến giá trị sinh thái, cảnh quan và nhu cầu tiêu dùng xanh của cư dân đô thị...
Du khách trải nghiệm tại vườn vườn nho Hợi Hường (xã Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn
“Nếu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ phải xây dựng các nhà màng, nhà lưới, trong khi bài học tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy, mô hình này ảnh hưởng không tốt cho môi trường, khí hậu. Để hạn chế điều này, Hà Nội lựa chọn một số khu vực phù hợp để phát triển nhà màng, nhà kính; còn lại chuyển hướng ưu tiên cho nông nghiệp sinh thái - hữu cơ gắn với du lịch” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thay vì tập trung tăng năng suất và sản lượng, Hà Nội chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái - hữu cơ - kết hợp du lịch trải nghiệm để gia tăng giá trị. Đây là lựa chọn phù hợp cho đô thị đặc biệt như Hà Nội - nơi người dân nội đô và du khách có nhu cầu rất lớn về du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần.
Phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, giảm phát thải carbon, tái sử dụng tài nguyên cũng là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu và mục tiêu phát triển bền vững của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hà Nội quy hoạch 7 vùng trồng lúa với diện tích từ 200 - 500ha mỗi vùng, phục vụ nghiên cứu và phát triển giống lúa đặc sản, trong đó, phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu sản xuất giống lúa cho hạt gạo không khiến người dùng tăng cân, không ảnh hưởng đến đường huyết, hướng đến phân khúc tiêu dùng cao cấp.
TP hiện có khoảng 5.000ha trồng lúa kém hiệu quả do khó khăn về thủy lợi, đang được chuyển đổi sang mô hình trồng cây ăn quả, hoa, cây đô thị để phục vụ cảnh quan, dịch vụ. Những vùng trũng, khó tưới tiêu sẽ được quy hoạch điều hòa nước, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Hà Nội phấn đấu, nông nghiệp không chỉ là nơi sản xuất lương thực, thực phẩm mà còn tạo không gian sống chất lượng cao, gia tăng giá trị và góp phần định hình bản sắc sống xanh cho Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền
Ánh Ngọc