Gia tăng người trẻ bị suy thận

Gia tăng người trẻ bị suy thận
5 giờ trướcBài gốc
Bệnh nhân lọc máu màng bụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Phát hiện khi bệnh ở giai đoạn cuối
Mỗi tuần 3 buổi, anh N.V.H. (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) phải đến bệnh viện để lọc máu. Hơn 3 năm trước, anh H. có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Đến bệnh viện địa phương khám, anh H. được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. “Tôi vô cùng bất ngờ vì trước đó không có biểu hiện gì, vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi phát hiện bệnh”, H. tâm sự.
Tương tự là trường hợp anh N.T.K. (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM), gần 2 năm nay phải chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh K. cho biết tay chân anh bỗng sưng phù, thỉnh thoảng nôn ói, khó thở, khi đi khám mới biết đã bị suy thận giai đoạn cuối.
Theo TS-BS Trần Văn Vũ, Phó trưởng Khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày, khoa điều trị cho trên 100 người bệnh nội trú và khám cho từ 300-400 người bệnh ngoại trú. Trong số đó, có nhiều người bệnh trẻ tuổi, cá biệt có những người chỉ mới 16 tuổi. “Bệnh suy thận đang có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, chiếm tỷ lệ 20% trong tổng số người bệnh khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng và cần có những nghiên cứu chính xác nhằm tìm ra nguyên nhân để có cảnh báo”, TS-BS Trần Văn Vũ thông tin.
Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, theo TS-BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, mỗi năm có khoảng 30.000 lượt người bệnh đến khám và điều trị bệnh thận tại bệnh viện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca mắc các bệnh lý về thận không ngừng tăng là do tâm lý chủ quan, lơ là với những biểu hiện ban đầu, dẫn đến bệnh tình trở nặng. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều protein, dầu mỡ, thức khuya cũng có mối liên quan đến suy giảm chức năng thận. Đồng thời, lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, hút thuốc lá, ít vận động… là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận. Ngoài ra, thói quen lạm dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng người bị suy thận.
Thay đổi lối sống, tầm soát định kỳ
PGS-TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), cho biết, bệnh thận có diễn tiến âm thầm nên người bệnh khó phát hiện bệnh sớm, nhiều người chỉ phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, tức giai đoạn cuối của suy thận mạn, bắt buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Điều này gây ra gánh nặng lớn trong điều trị và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội khác. Bệnh thận có thể được phát hiện sớm bằng các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận. Do đó, bên cạnh việc duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường tập thể dục, uống nhiều nước, có chế độ dinh dưỡng cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình bằng cách quan sát nước tiểu. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như nước tiểu đục, sủi bọt, nước tiểu ngả màu khác thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Việc tầm soát sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận.
Theo TS-BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, suy thận mạn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của người bệnh mà còn để lại những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh bị giữ nước, dẫn đến phù, huyết áp cao hoặc phù phổi. Nồng độ kali trong máu tăng đột ngột có thể làm giảm chức năng tim và đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, bệnh còn dẫn đến biến chứng tại nhiều cơ quan trong cơ thể, như ở đường tiêu hóa (loét đường tiêu hóa, chảy máu), ở hệ thần kinh (gây co giật, hôn mê, xuất huyết não do tăng huyết áp, nhồi máu não do xơ vữa động mạch), ở hệ sinh dục (rối loạn kinh nguyệt, giảm hưng phấn tình dục, vô sinh, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát), ở hệ tim mạch (làm tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim…).
Suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị, người bệnh có thể kéo dài thời gian bảo tồn thận trong 5-10 năm, trì hoãn giai đoạn lọc máu định kỳ. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 5 thì phải ghép thận hoặc lọc máu định kỳ. Nếu không, suy thận mạn giai đoạn cuối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta có khoảng hơn 10 triệu người bệnh thận mạn, trong đó khoảng 26.000 người suy thận mạn tính giai đoạn cuối, và mỗi năm có gần 8.000 ca bệnh mắc mới. Tỷ lệ mắc bệnh thận ở Việt Nam đang ở mức cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đây là gánh nặng lớn về bệnh tật, kinh tế của gia đình người bệnh cũng như của cả xã hội. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8/10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
MINH NAM
THÀNH AN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/gia-tang-nguoi-tre-bi-suy-than-post777248.html