Gia tăng nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu?

Gia tăng nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu?
4 giờ trướcBài gốc
Chính sách thuế 2.0
Trong sắc lệnh vừa ký, Tổng thống Donald Trump tăng thuế quan đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ lên 25%, với lý do "tăng cường sức mạnh" cho ngành công nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sắc lệnh áp lại mức thuế quan 25% đối với hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ hàng năm theo hạn ngạch miễn thuế quan, các trường hợp miễn trừ và hàng nghìn sản phẩm được miễn trừ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm sắc lệnh nâng thuế nhôm, thép ngày 10.2. Ảnh: AP
Sắc lệnh này là sự tiếp nối của chương trình thuế mà ông Donald Trump đã triển khai vào năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên, theo Mục 232 thuộc Đạo luật Mở rộng thương mại 1962 nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhôm và thép trong nước trên cơ sở an ninh quốc gia. Một quan chức Nhà Trắng cho biết, các biện pháp miễn trừ đã xói mòn tính hiệu quả của thuế quan áp lên nhôm và thép.
Thêm vào đó, ông Donald Trump cũng đưa ra một tiêu chuẩn Bắc Mỹ mới, đòi hỏi thép và nhôm nhập khẩu phải được "luyện và đúc" ở khu vực Bắc Mỹ để hạn chế tình trạng thép Trung Quốc sơ chế có thể thâm nhập vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, sắc lệnh còn áp thuế quan đối với các sản phẩm thép hạ nguồn sử dụng thép nhập khẩu.
Mục đích của Tổng thống Donald Trump là bảo hộ ngành công nghiệp sản xuất thép và nhôm ở Mỹ. Quốc gia này vốn đã từng có ngành công nghiệp sản xuất thép và nhôm rất phát triển, nhưng sa sút nghiêm trọng vì năng suất thấp, sản lượng giảm, chi phí sản xuất cao và công nghệ chậm được hiện đại hóa, lại bị cạnh tranh khốc liệt với các đối tác bên ngoài. Do đó, Mỹ dựng hàng rào thuế quan bảo hộ thương mại để giải cứu ngành công nghiệp này, duy trì công ăn việc làm, tự chủ về cung ứng thép và nhôm phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, việc áp thuế quan bảo hộ thương mại là công cụ thần diệu phục vụ mục tiêu đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Cố vấn thương mại Mỹ Peter Navarro cho rằng, các biện pháp thuế quan mới được công bố sẽ giúp ích cho các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ, cũng như củng cố an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Ông Navarro nhấn mạnh: “Thuế quan thép và nhôm 2.0 sẽ đặt dấu chấm hết cho tình trạng nước ngoài bán phá giá, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo đảm vị thế ngành công nghiệp nhôm và thép như là những ngành công nghiệp xương sống và trụ cột đối với an ninh kinh tế và quốc gia Mỹ. Đây không chỉ là vấn đề thương mại, mà còn để giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào các quốc gia khác về các ngành chủ chốt như thép và nhôm”.
Ngoài ra, mục đích của Tổng thống Donald Trump là giảm mức độ nhập siêu của Mỹ về thép và nhôm, cũng như tạo công cụ và cách thức gây gia tăng áp lực với các đối tác của Mỹ để buộc các đối tác này phải nhượng bộ Mỹ trong những vấn đề khác.
Các nhà kinh tế của Capital Economics nhận định: “Giá thép của Mỹ có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới nếu các mức thuế quan này được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, giá cao hơn có thể khuyến khích sản xuất trong nước nhiều hơn và giúp giá cả giảm trở lại trong thời gian ngắn”.
Nguy cơ đẩy lạm phát lên cao
Theo Wall Street Journal, cựu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Phil Gramm cảnh báo rằng, thuế quan bảo hộ làm méo mó sản xuất trong nước... Trong quá trình này, năng suất, tiền lương và tăng trưởng kinh tế giảm trong khi giá cả tăng. Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump dựa vào thuế quan mới để ban hành các mục tiêu thương mại và chính sách khác đã thúc đẩy một số nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ tăng cao vào năm 2025.
Khác với nhiệm kỳ trước khi Tổng thống Donald Trump cũng dùng chiến thuật thuế quan để gây sức ép lên các nước, các quan chức chính quyền Trump 2.0 cho rằng những gì diễn ra trong ba tuần qua chỉ mới là một phần nhỏ trong chương trình nghị sự thương mại của ông Trump.
Mặc dù không rõ liệu ông Donald Trump có ban hành tất cả các mức thuế quan đã vạch ra hay không - gần đây ông đã hoãn 30 ngày đối với Mexico và Canada trong kế hoạch ban hành thuế nhập khẩu 25% đối với các quốc gia đó - nhưng Tổng thống cũng đang ra tín hiệu về kế hoạch tiến hành áp dụng thêm thuế quan.
Theo đó, ngoài thuế quan thép và nhôm, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch công bố “thuế quan qua lại” đối với bất kỳ quốc gia nào đánh thuế hàng hóa từ Mỹ, dự kiến sẽ được ban hành vào cuối tuần này và có hiệu lực ngay lập tức. Các nhà kinh tế và nhà phân tích cũng dự đoán rằng, dựa trên những bình luận trước đây của Tổng thống Mỹ, thuế quan đối với ô tô có thể sớm được áp dụng. Những mức thuế quan đó có thể nhắm vào một quốc gia hoặc rộng hơn, giống như thuế quan đối với thép.
Mặc dù, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh rằng, các chính sách đưa ra sẽ giúp tăng thêm doanh thu cho đất nước và xóa bỏ thâm hụt thương mại, qua đó tạo ra nhiều tiền và hoạt động kinh doanh hơn tại Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng thuế quan rộng sẽ khiến các hộ gia đình tốn kém hơn và có thể gây nguy hiểm cho các công việc liên quan đến thương mại, điều này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang có ảnh hưởng của mình ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank ước tính rằng, việc áp dụng thuế quan thép và nhôm mới nhất, cùng với thuế quan qua lại, có thể thúc đẩy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi - một thước đo chính của lạm phát - thêm 0,4 điểm phần trăm. Thêm vào đó, nếu thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada có hiệu lực sau sau 30 ngày trì hoãn, lạm phát có thể lên trên 3,5%.
Các nước tìm cách ứng phó
Theo New York Times, dù các nhà sản xuất thép trong nước của Mỹ hoan nghênh động thái của Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên, việc tăng thuế nêu trên được dự báo có thể kích động trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ vào các quốc gia khác; cũng như gây khó đối với các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, vốn đang dùng lượng lớn kim loại để sản xuất ô tô, bao bì thực phẩm và các sản phẩm khác. Mọi hành động đáp trả đều có hại cho tất cả các bên.
Theo đài CNBC, động thái của Tổng thống Donald Trump là cú giáng vào Canada và Mexico - hai nguồn cung thép lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia xuất khẩu nhôm nhiều vào Mỹ gồm Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Brazil, Hàn Quốc và Đức cũng chịu tác động lớn. Trong một tuyên bố, Marty Warren - Giám đốc công đoàn United Steelworkers lên án chính sách thuế quan của Mỹ, nói rằng: “Thuế quan của ông Donald Trump là một cuộc tấn công trực tiếp vào người lao động và cộng đồng”; đồng thời kêu gọi chính phủ liên bang có các hành động đáp trả và ban hành một số biện pháp hỗ trợ người lao động.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang chờ thông báo chính thức về bất kỳ mức thuế quan mới của Mỹ, nhưng nói thêm rằng, họ “không thấy có lý do chính đáng” nào để áp dụng bất kỳ mức thuế nào như vậy đối với hàng xuất khẩu của khu vực này. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cảnh báo, EU sẽ trả đũa nếu Mỹ thực thi kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép. Về phần mình, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, Anh luôn chuẩn bị cho mọi khả năng tác động của chính sách thuế mới của Mỹ.
Châu Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/gia-tang-nguy-co-cuoc-chien-thuong-mai-toan-cau-post404222.html