Gia tăng sử dụng phân bón hữu cơ: Giải tỏa những áp lực về ô nhiễm môi trường

Gia tăng sử dụng phân bón hữu cơ: Giải tỏa những áp lực về ô nhiễm môi trường
2 giờ trướcBài gốc
Bón phân hữu cơ cho cây trồng sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Ảnh: N.A.
Phân bón vô cơ gấp 3 lần phân bón hữu cơ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hoàng Trung cho biết, hiện ngành nông nghiệp đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tự chủ sản xuất phân urea, phân bón chứa lân, phân đa lượng NPK… và tiến tới xuất khẩu nhiều chủng loại phân bón.
Tuy nhiên, Việt Nam đang sử dụng mức bón cao hơn nhiều quốc gia và gấp 3 lần trung bình của thế giới. Nhiều năm nay, Bộ NNPTNT vẫn khuyến cáo bà con nông dân thực hiện 5 đúng khi sử dụng phân bón, bao gồm: bón đúng chủng loại phân; bón đúng nhu cầu sinh lý của cây; bón đúng nhu cầu sinh thái; bón đúng vụ và thời tiết; bón đúng phương pháp. Đáng chú ý, mới đây Bộ NNPTNT vừa triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”. Dự án dự kiến giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/hecta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, phân bón là yếu tố không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, với khoảng 10 triệu tấn phân bón được sử dụng hàng năm ở Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ đã gây nhiều hệ lụy như thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường và gia tăng chi phí sản xuất. So với giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới (1985 - 1986), lượng phân bón vô cơ đã tăng gấp 6 lần, điều này cho thấy thói quen sử dụng phân bón vô cơ khó thay đổi trong thời gian ngắn.
Theo thống kê, lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vào khoảng 10 triệu tấn/năm và 75% trong số đó là phân bón vô cơ. Mức độ sử dụng phân bón của nước ta cao hơn nhiều quốc gia và gấp ba lần trung bình của thế giới. Để sản xuất nông nghiệp bền vững cần sử dụng cân đối giữa phân hữu cơ và vô cơ.
Ưu tiên phát triển phân bón hữu cơ
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, những năm qua, nước ta chưa có chính sách mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng phân bón vô cơ. Thêm nữa, thiếu định hướng cụ thể nhằm khuyến khích các cấp, chính quyền địa phương ưu tiên, hỗ trợ về vốn, đất,... cho nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ; chưa có chính sách khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ… điều đó khiến cho phân bón hữu cơ chưa có cơ hội phát triển.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang phân bón hữu cơ, những năm gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Phân bón hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng ổn định cho cây trồng, cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học của đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn cho cây trồng. Số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học) đã được công nhận lưu hành ở nước ta hiện vào khoảng hơn 7.000 sản phẩm, chiếm 27% tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành. Công suất sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay là 4,8 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trên thực tế ngành phân bón mới chỉ đáp ứng được khoảng 10-25% nhu cầu về phân hữu cơ.
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm, theo hướng tuần hoàn và tăng trưởng xanh, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Mục tiêu của đề án này là khai thác tiềm năng nguyên liệu hữu cơ sẵn có, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính, đồng thời duy trì sức khỏe đất nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững. Đề án này được kỳ vọng sẽ là cú hích tạo điều kiện hơn nữa cho việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ trong giai đoạn tới.
Cùng với đó, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ, mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên hơn 30% so với tổng số sản phẩm phân bón. Nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 5 triệu tấn/năm.
NAM ANH
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/gia-tang-su-dung-phan-bon-huu-co-giai-toa-nhung-ap-luc-ve-o-nhiem-moi-truong-10291832.html