Gia tăng tai nạn ở trẻ em

Gia tăng tai nạn ở trẻ em
8 giờ trướcBài gốc
Nguyên nhân do trẻ hiếu động, được nghỉ học dài ngày, nhu cầu về quê đón Tết, du lịch của các gia đình tăng cao. Trong khi đó, người lớn thường bận rộn, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.
Tai nạn nguy hiểm khi trẻ bị chó cắn
Mới đây, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận một bé trai 8 tuổi (Hà Nội) bị chó nhà cắn trong tình trạng đa vết thương phần mềm tại tai phải, da đầu, cánh cẳng bàn tay phải và xây xát da nhiều vị trí.
Trẻ bị đứt rời gần hoàn toàn vành tai phải, đứt rời sụn ống tai ngoài và sụn vành tai. Còn cầu da 2.5 cm tại dái tai, nhiều vết cắn răng sâu và nhiều vết thương rách da sâu hết lớp dưới da tại vùng đầu, cánh tay phải, vết rách dài nhất khoảng 5 cm. Trẻ được đưa đến Bệnh viện Chương Mỹ sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Nhờ kĩ thuật vi phẫu, các bác sĩ đã thành công bảo tồn tai của bé trai 8 tuổi.
Bác sĩ Hùng Anh – Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu cho trẻ, làm sạch tối đa, loại bỏ các mô tổn thương, bảo tồn tối đa vành tai, đảm bảo hình thể tai, cấu trúc ống tai.
Trẻ được phẫu thuật cắt lọc phần dập nát, khâu lại sụn ống tai ngoài và sụn vành tai, nối lại tĩnh mạch tai bằng kĩ thuật vi phẫu. Quá trình hậu phẫu, trẻ tỉnh táo hoàn toàn, vết mổ ổn định.
Tương tự, tại Khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng đã tiếp nhận bé trai B.A. (10 tuổi ở Hà Nội) nhập viện với nhiều vết thương trên cơ thể, bao gồm vùng thái dương, đùi, tay và chân.
Các vết thương có dấu răng rõ rệt, nghiêm trọng do bị chó cắn. Sau khám, các bác sĩ đã khâu 9 mũi ở các vết thương hở to và chăm sóc các vết thương còn lại.
Bé trai B.A. nhập viện với nhiều vết thương trên cơ thể, bao gồm vùng thái dương, đùi, tay và chân do bị chó tấn công.
Bác sĩ Phạm Văn Tỉnh - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ trong 5-7 ngày để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng. Bệnh viện đã điều động các nhân viên phòng tiêm chủng vaccine đến tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại, phòng uốn ván ngay sau khi các vết thương được xử lý.
Phòng tránh, sơ cứu đúng cách
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, Khoa Cấp cứu và Chống độc của đơn vị đã tiếp nhận 3 trường hợp đuối nước nghiêm trọng. Đáng nói, cả 3 trẻ đều không được sơ cứu đúng cách bằng thổi ngạt, ép tim ngay, mà bị bế dốc ngược chạy. Do đó, các bệnh nhi vào viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Còn một bé trai (8 tuổi, ở Nam Định) đang đi bộ trên đường thì không may xảy ra va chạm với xe máy. Sau tai nạn, trẻ đau đầu, kích thích vật vã, sưng nề vùng hàm mặt, nhiều vết thương trên cơ thể. Trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh sơ cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị chuyên sâu.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, kèm theo có nhiều vết rách da, sưng nề vùng trán, vai, tay và bầm tím nhẹ vùng ngực. Sau khi được xử lý vết thương và điều trị tích cực, trẻ đã hồi phục sức khỏe.
Trẻ được chăm sóc điều trị vết thương tại Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi T.Ư
Trong khi đó, các bác sĩ Đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình của bệnh viện cũng đã tiếp nhận điều trị cho bé trai (12 tuổi, ở Hà Nội) bị bỏng nước sôi độ II và III ở nhiều vùng cơ thể, bao gồm: đầu, cổ, vai, ngực hai bên và cẳng bàn tay phải. Trước đó, khi trẻ tự tắm bằng vòi hoa sen ở nhà thì không may bị bỏng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư, mỗi năm vào dịp Tết, khoa Cấp cứu và Chống độc tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em. Những tai nạn này có thể là bỏng, gãy xương, vết thương ngoài da, ngộ độc, hóc dị vật… Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân.
Đặc biệt với những trẻ sống ở các đô thị lớn, khi về quê đón Tết cùng gia đình tại các vùng nông thôn có môi trường mới nhiều điều lạ với trẻ và cũng có nhiều nguy cơ hơn như ao, hồ, cây cối…
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ nên lưu ý đề phòng những tai nạn thường gặp ở trẻ như: súc vật cắn đuối nước, điện giật, bỏng, pháo nổ, hóc dị vật, ngộ độc hóa chất, thực phẩm, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, té ngã, tai nạn giao thông… Đồng thời, phụ huynh cũng cần trang bị những kỹ năng sơ cứu đúng cách khi trẻ gặp tai nạn trong đời sống.
Ngoài ra, khi trẻ bị súc vật cắn hoặc liếm vào vết xước… bố mẹ hoặc người chăm sóc nên lưu ý rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong 15 phút; sát trùng vết thương bằng cồn hoặc betadin; băng cầm máu nhẹ nhàng (không tự ý khâu vết thương); đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và tiêm phòng; theo dõi động vật cắn trong 15 ngày.
Thảo Trần
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/gia-tang-tai-nan-o-tre-em.html