Giá thép biến động ra sao trong quý II/2025?

Giá thép biến động ra sao trong quý II/2025?
2 ngày trướcBài gốc
Trong quý I, giá thép trong nước khá trầm lắng khi trải qua 3 đợt giảm liên tiếp. Ảnh minh họa
PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường sắt thép trong nước và thế giới quý I/2025?
Giá thép biến động ra sao trong quý II/2025?
Ông Dương Đức Quang: Từ đầu năm cho tới nay, thị trường sắt thép thế giới biến động liên tục với các đợt tăng mạnh xen kẽ những nhịp điều chỉnh đáng kể. Đáng chú ý, kể từ phiên giao dịch ngày 9/1, giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) đã có tới 7 phiên tăng liên tiếp, đồng thời chính thức vượt mốc trên 100 USD/tấn. Xu hướng tăng được duy trì trong hơn 1 tháng, đưa giá nguyên liệu đầu vào của thép tiến sát 108 USD/tấn vào phiên ngày 20/2, đánh dấu mức đỉnh trong quý.
Thay đổi chính sách của Trung Quốc, tác động mặt bằng giá thép toàn cầu
Ông Dương Đức Quang cho rằng, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất thế giới, nên bất kỳ thay đổi nào trong chính sách kinh tế hay định hướng sản xuất của Bắc Kinh đều tác động trực tiếp đến mặt bằng giá thép toàn cầu.
Tuy nhiên sau đó, giá sắt thép thế giới bước vào giai đoạn điều chỉnh kéo dài đến đầu tháng 3. Cho đến gần cuối quý I, thị trường vẫn chưa xác lập được một xu hướng rõ ràng vì trải qua nhiều phiên biến động liên tục. Trong thời gian này, giá quặng sắt chủ yếu giằng co dưới mốc 104 USD/tấn, phản ánh tâm lý thận trọng trong bối cảnh thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ.
Trên thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc, giá thép có xu hướng giảm, tính đến 21/3, giá thép cuộn cán nóng (HRC) suy yếu về mức 3.410 Nhân dân tệ/tấn, tương đương 470 USD/tấn. Đà giảm chủ yếu do nhu cầu hồi phục chậm trong sản xuất công nghiệp, mặc dù tháng 3 là mùa tiêu thụ sắt thép cao điểm.
Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận tại thị trường thép xây dựng Việt Nam. Trong quý I, giá thép trong nước khá trầm lắng khi trải qua 3 đợt giảm liên tiếp. Hiện tại, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát giảm từ mức 13,69 triệu đồng/tấn hồi đầu năm xuống còn 13,53 triệu đồng/tấn, tương đương mức giảm hơn 4% so với cùng kỳ tháng 3/2024. Giá thép thanh vằn D10 CB300 cũng lùi về 13,58 triệu đồng/tấn, thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong khi giá quặng sắt quốc tế đã bắt đầu hạ nhiệt từ cuối tháng 2, thì phải đến ngày 24/3, thị trường thép trong nước mới điều chỉnh giảm. Điều này cho thấy độ trễ nhất định giữa thị trường trong nước và thế giới.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm từ đầu năm tới nay?
Ông Dương Đức Quang: Theo tôi, có nhiều lý do dẫn đến những biến động trên thị trường sắt thép trong thời gian qua. Từ giữa tháng 1 đến gần cuối tháng 2, giá sắt thép đã có một đợt tăng kéo dài sau khi có thông tin về việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải trong năm 2025, để tạo môi trường tiền tệ và tài chính lành mạnh, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định. Đáng chú ý là PBOC quyết định bơm tới 131 tỷ USD vào hệ thống tài chính, đánh dấu mức cao thứ hai trong lịch sử. Việc bơm tiền quy mô lớn như vậy không chỉ giúp cải thiện tâm lý của giới đầu tư, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng và công nghiệp, từ đó kéo nhu cầu sắt thép đi lên.
Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu quặng sắt từ Australia lại bị gián đoạn do bão. Trong khi đó, nhiều nhà máy ở Trung Quốc không kịp tích trữ nguyên liệu trước kỳ nghỉ Tết kéo dài. Kết quả là thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trong bối cảnh sản xuất thép phục hồi mạnh sau Tết Nguyên đán, tình trạng cung không đủ cầu đã đẩy giá quặng sắt tăng lên, gián tiếp hỗ trợ cho giá thép thành phẩm.
Tuy nhiên, sang cuối quý I, giá sắt thép bắt đầu chịu áp lực lớn từ các yếu tố vĩ mô và triển vọng nhu cầu không mấy khả quan, khiến đà tăng trước đó dần mờ nhạt. Tại Trung Quốc, tình trạng giảm phát kéo dài khiến giá cả liên tục đi xuống, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh lại không giảm tương ứng. Điều này làm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Các nhà máy thép buộc phải cắt giảm sản lượng, kéo theo nhu cầu quặng sắt yếu đi, từ đó gây sức ép giảm giá.
Một yếu tố khác tác động mạnh lên thị trường kim loại thế giới trong thời gian, qua đó là việc Mỹ siết chặt thuế quan đối với thép nhập khẩu cũng dấy lên nguy cơ thép dư thừa từ Trung Quốc sẽ tràn sang các quốc gia khác. Điều này buộc nhiều nước phải tăng cường các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước và cắt giảm nhập khẩu, khiến đầu ra xuất khẩu của thép Trung Quốc bị thu hẹp đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu nội địa của Trung Quốc lại không đủ mạnh để hấp thụ hết phần cung dư thừa này.
Nằm trong vòng xoáy toàn cầu, giá thép xây dựng tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, khi cả nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu đều sụt giảm. Trong 2 tháng đầu năm, sản lượng thép thành phẩm đã giảm 5,2%, xuống còn khoảng 4,45 triệu tấn. Đáng chú ý, lượng thép thành phẩm xuất khẩu giảm mạnh tới gần 40%, chỉ còn 941.000 tấn. Những con số này cho thấy áp lực dư cung trên thị trường quốc tế đã bắt đầu lan sang mặt bằng giá trong nước.
PV:Vậy dự báo giá sắt thép trong nước và thế giới quý II/2025 sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?
Ông Dương Đức Quang: Như tôi đã phân tích ở trên về diễn biến giá quặng sắt và thép trong thời gian vừa qua và phân tích những nguyên nhân tác động lên biểu đồ giá, tôi cho rằng, quý II, thị trường thép thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn từ nhiều yếu tố vĩ mô bất lợi, đặc biệt là tình trạng giảm phát kéo dài tại Trung Quốc và xu hướng bảo hộ gia tăng tại nhiều quốc gia nhập khẩu.
Nếu Trung Quốc kiên định với kế hoạch tái cơ cấu ngành thép bằng cách cắt giảm sản lượng, thì giá quặng sắt quốc tế có thể dao động trong khoảng 100 - 105 USD/tấn. Biện pháp này tuy giúp giảm bớt tình trạng dư cung thép, nhưng cũng khiến nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào như quặng sắt sụt giảm, từ đây tạo áp lực lên giá quặng sắt và thép thành phẩm.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc bước vào mùa xây dựng cao điểm, thời tiết ấm lên và tiến độ thi công được đẩy mạnh có thể sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ sắt thép. Đây sẽ là yếu tố hạn chế đà suy yếu của giá và giữ cho mặt bằng giá thép ở mức ổn định trong ngắn hạn.
Ngoài ra, nếu nước này tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất hoặc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), thì sẽ có thêm lực đẩy cho hoạt động sản xuất và đầu tư. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép và quặng sắt tăng lên. Trong kịch bản tích cực đó, giá quặng sắt có thể được hỗ trợ để quay trở lại vùng đỉnh gần 108 USD/tấn như trong quý I.
Còn tại Việt Nam, dù vẫn chịu tác động từ giá thế giới, tôi cho rằng nhu cầu sắt thép trong nước sẽ khởi sắc hơn trong quý II, một phần nhờ bước vào mùa xây dựng cao điểm, nhưng quan trọng hơn là động lực từ kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay với nhiều dự án trọng điểm tới hạn hoàn thành trong năm nay. Điển hình có thể kể đến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự án xây dựng sân bay Long Thành và loạt dự án phát triển nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh và đẩy nhanh tiến độ. Điều này dự kiến sẽ kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có sắt thép tăng trưởng mạnh mẽ và đẩy giá thép lên trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đức Việt
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-thep-bien-dong-ra-sao-trong-quy-ii2025-173485-173485.html