Giả thiết nào về lịch sử cây chè Thái Nguyên? - Kỳ 2: Chè cổ 'xuống núi'

Giả thiết nào về lịch sử cây chè Thái Nguyên? - Kỳ 2: Chè cổ 'xuống núi'
9 giờ trướcBài gốc
Khảo sát tại khu vực chùa Thiên Tây Trúc (thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ), phóng viên Báo Thái Nguyên và nhà khoa học, nghệ nhân chè xác định có hàng chục cây chè tuổi đời hàng trăm năm; cây to nhất có chu vi gốc trên 80cm, chiều cao hơn 10m. Thân cây trắng sáng, vươn cao khỏe khoắn và lá xanh thẫm, rất giống với chè trung du đang được canh tác phổ biến trên địa bàn tỉnh.
Nghệ nhân trà Mông Đông Vũ (tham gia đoàn khảo sát) từng hái búp, lá, lấy hoa, quả từ những cây chè này để chế biến, thưởng thức và nhận xét hương vị giống với của chè trung du truyền thống. Màu nước vàng xanh, vị ngọt hậu.
Chị Bàn Thị Hạnh, phụ trách nhang khói tại chùa Thiên Tây Trúc thông tin: Chùa có từ thời nhà Mạc, tuổi đời trên 300 năm. Các cụ ngày xưa truyền lại rằng cây chè đã xuất hiện ở đây từ lâu.
Tương tự, tại khu vực xung quanh chùa Hàm Long, thuộc xóm Đồng Phú, xã Cát Nê (Đại Từ), cũng xuất hiện một số cây chè có kích thước lớn, ước tuổi đời hàng trăm năm.
Ông Đỗ Văn An, 81 tuổi, ở xóm Đồng Phú - thành viên Ban Quản quản lý chùa Hàm Long, nói: Từ nhỏ tôi đã lên chùa và thấy những cây chè này. Mọi người thường hái lá chè đun nước uống vào các ngày mùng 1, hôm rằm và dịp lễ, Tết nên cây chè không lớn, vươn cao được.
Bàn về lịch sử các vùng chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, một số ý kiến cho rằng, xuất phát từ những quần thể chè cổ (trong đó có cây chè cổ trên Núi Bóng), người dân đã lấy hạt về trồng, nhân giống phát triển mà thành.
Nghệ nhân trà Bàng Văn Thanh, ở vùng chè nổi tiếng Khuôn Gà, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cho biết: “Gia đình tôi đã nhiều thế hệ làm chè. Tôi nghe các cụ kể lại từng lấy hạt chè từ các cây cổ thụ trên núi Bóng mang về trồng tại vườn nhà. Sau đó, nhiều hộ tại Khuôn Gà cũng xin giống từ gia đình tôi để tiếp tục nhân rộng thêm”.
Hiện trong vườn của gia đình ông Bàng Văn Thanh còn những cây chè có chu vi gốc chừng 70cm, tuổi đời hơn 60 năm, được coi là có nguồn gốc từ giống chè cổ thụ trên núi Bóng.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vượng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Đại Từ, đặt giả thiết: Cây chè phát tán chủ yếu qua quả, hạt. Quả chè không phải là nguồn thức ăn nên động vật hầu như không tham gia vào phát tán và phát triển cây chè mà chủ yếu do con người hái quả mang về trồng. Việc di chuyển giống chè từ cây trong tự nhiên đem về trồng có thể thực hiện trong phạm vi khu vực nhỏ, ít có sự xâm nhập từ xa do do điều kiện giao thông đi lại trước đây khó khăn.
Đối với giống chè ở Khuôn Gà, ông Vượng đã nghiên cứu và cho rằng: Những năm 1890-1900, cụ tổ họ Bàng làng Khuôn Gà, xã Hùng Sơn (Đại Từ) là Bàng Đình Huy trong quá trình đi lại từ Bảo Cường (Định Hóa) và Hùng Sơn đã phát hiện trên núi Bóng có nhiều cây chè dại to lớn nên lấy quả đem về nhà trồng, sau này hợp đất trở thành giống chè ngon được lưu truyền trong giới sành trà. Vậy nên mới có câu: “Thái Nguyên đệ nhất danh trà/Sành chè phải biết Khuôn Gà Hùng Sơn”.
Quay trở lại giống chè cổ trên núi Tam Đảo và một số quần thể cây chè hàng trăm năm tuổi mới được phát hiện, nghệ nhân, nhà văn hóa trà Mông Đông Vũ đưa ra quan điểm: Đây là một giống chè Nam đã được đề cập đến trong sách “Đại Nam nhất thống chí”. Trời đất, khí hậu hay do sự linh thiêng của vùng đất Thái Nguyên đã sinh ra một giống chè quý như vậy. Tôi cho là vùng phía Đông Tam Đảo đâu đâu cũng có, có thể ở dưới thấp, có thể ở trên cao. Ở phía đằng Thần Sa, Thượng Nung của huyện Võ Nhai, xã Hợp Tiến của Đồng Hỷ cũng có nhưng không nhiều...
Đến thời điểm này, nguồn gốc của chè trung du Thái Nguyên, mối liên kết giữa giống chè cổ và chè trung du Thái Nguyên vẫn là giả thiết. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là quần thể cây chè cổ có giá trị sinh học, lịch sử, văn hóa vô cùng lớn. Đây là nguồn gen quý để ươm mầm tương lai. Vấn đề này sẽ được đề cập trong kỳ 3 - Giữ lấy gốc xưa, ươm mầm tương lai.
(Còn nữa)
TNĐT
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202505/gia-thiet-nao-ve-lich-su-cay-che-thai-nguyen-ky-2-che-co-xuong-nui-e2a062c/