Khảo sát tại chợ Đoàn Kết có khoảng 30 hộ bán thịt nhưng hơn tháng nay việc kinh doanh ế ẩm, đìu hiu. Các tiểu thương cho biết, nguồn cung khan hiếm, giá thịt lợn tăng nên người mua cũng giảm. Chị Nguyễn Thị Thùy, chủ một hàng bán thịt lợn tại đây cho biết: Trước tết Nguyên đán, mỗi ngày tôi thường bán 1 con lợn, có hôm khách hàng đặt làm thịt sấy, xúc xích thì còn bán được 2 con lợn. Nhưng nửa tháng nay, tôi chung với người khác mổ 1 con mà bán không hết, có hôm buổi chiều phải chịu lỗ bán rẻ cho hết hàng. Hiện, đối với thịt lợn đen, giá thịt ba chỉ 150 nghìn đồng/kg, thịt mông vai 180 nghìn đồng/kg, sườn 160 - 180 nghìn đồng/kg. Trong khi thịt lợn trắng ở mức 130 -150 nghìn đồng/kg.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ San Thàng, sức mua cũng giảm rõ rệt. Anh Giàng A Díu (ở xã Sùng Phài) đã có 16 năm gắn bó với nghề bán thịt lợn tại chợ tâm sự: Tôi bán thịt lợn nhiều năm nay nhưng chưa khi nào nguồn hàng lại khan hiếm như vậy. Để mua được lợn hơi, tôi phải đi khắp các xã: Nùng Nàng, Tả Lèng (huyện Tam Đường), Dào San (huyện Phong Thổ), Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) mà có ngày không mua được con nào. Mấy năm trước, thời điểm tôi mua lợn hơi giá cao nhất khoảng 55 - 68 nghìn đồng/kg, nay giá tăng lên 75 - 77 nghìn đồng/kg. Để có lãi, chúng tôi buộc phải bán với giá từ 150 - 200 nghìn đồng/kg trong khi trước đây bán với giá 130 - 160 nghìn đồng/kg. Nhiều khách đến mua hàng lăn tăn về giá, thậm chí có khách hàng hỏi giá xong lại không mua nên thịt lợn ế ẩm.
Khách hàng mua thịt lợn tại chợ San Thàng (thành phố Lai Châu).
Thịt lợn là một trong những thực phẩm quen thuộc được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trong các bữa ăn hằng ngày. Vì vậy, việc tăng giá ảnh hưởng đến đời sống người dân và những nhà hàng kinh doanh ăn uống.
Bà Bùi Thị Yên ở tổ dân phố số 6 (phường Quyết Tiến) bộc bạch: Từ sau tết Nguyên đán, nhiều công việc, ngành nghề chưa hoạt động mạnh nên thu nhập của người dân không tăng, trong khi đó giá cả đều tăng, nhất là thịt lợn. Tôi phải hạn chế mua thịt lợn về sử dụng, thay vào đó đổi sang các món ăn khác phù hợp với chi phí gia đình như: gà, cá, trứng, đậu, vịt, ngan để đảm bảo cuộc sống.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân dẫn đến giá thịt tăng cao như hiện nay là ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi diễn biến phức tạp hồi tháng 11 năm ngoái, làm giảm sản lượng lợn. Trong khi trên địa bàn hầu hết là các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, sản lượng lợn không lớn nên khi bị ảnh hưởng của dịch khiến hàng khan hiếm. Cùng với đó trong những tháng tết, các trang trại, hộ nuôi nhỏ lẻ đã xuất chuồng đồng loạt để tiêu thụ sản lượng lợn lớn với tâm lý tận dụng thị trường tết có sức tiêu thụ mạnh để bán nhanh nâng mức thu nhập gia đình. Do vậy, đến nay nhiều gia đình nuôi lợn con, lợn sữa không lớn kịp, làm giảm số lượng con giống, từ đó kéo giá thịt lợn lên cao. Việc chăn nuôi công nghiệp ở một số trang trại có quy mô lớn có thể bù đắp nhưng cần phải có thời gian ổn định trở lại. Hiện nay, chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi cũng cao hơn năm ngoái nên cũng thận trọng khi tái đàn. Việc thắt chặt nhập khẩu lợn qua biên giới cũng được các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ.
Theo các cơ quan chuyên môn, tình trạng thiếu hụt đàn lợn hiện nay chỉ trong thời gian ngắn vì dự báo thời gian tới đàn gia súc sẽ tăng do từ đầu năm 2025 dịch bệnh tả lợn Châu Phi đang được kiểm soát tốt, đây là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tái đàn phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, hộ chăn nuôi cũng cần tính toàn kỹ, không nên tái đàn ồ ạt tránh rủi ro. Về lâu dài, nhằm bình ổn giá thị trường mặt hàng thịt lợn, các ngành chuyên môn cần có biện pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng này góp phần đảm bảo cuộc sống của nhân dân trên địa bàn.
Ngọc Bảo Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả