Thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Khoảng 2 tuần qua, nông dân vùng U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang (bao gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng) bước vào thu hoạch rộ tôm càng xanh, tôm sú và tôm thẻ theo hình thức nuôi xen canh trên cùng một đơn vị diện tích. Nông dân khá phấn khởi khi giá tôm tăng ngay vào thời điểm thu hoạch giúp tăng thu nhập, lợi nhuận cao hơn với những năm trước từ 10-15 triệu đồng/ha.
Là một trong những hộ đầu tiên áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh với tôm sú, tôm thẻ ở xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, ông Đoàn Văn Tạo cho biết, vụ tôm cuối năm 2024 này, gia đình ông cũng như nhiều nông dân ở địa phương rất phấn khởi khi giá cả 3 loại tôm đều tăng so với thời điểm trước. Hiện, giá tôm càng xanh oxy (tôm càng xanh thu hoạch chạy oxy bán sống cho thương lái) loại nhất giá bán 115.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 20 con/kg giá 230.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg giá 190.000 đồng/kg; tôm thẻ cỡ 30/kg giá 230.000 đồng/kg, cỡ 50 con/kg giá 180.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm 2024 và cùng kỳ năm 2023.
“Gia đình tôi sản xuất trên diện tích 3ha, nuôi xen canh tôm càng xanh, tôm sú và tôm thẻ; trong đó, chọn nuôi tôm càng xanh toàn đực nên hiệu quả kinh tế đạt cao hơn so với nuôi giống tôm đại trà như nhiều năm trước. Sau lần thu hoạch cuối cùng vào ngày 16/12 vừa qua, tổng sản lượng tôm càng xanh thu được 1,3 tấn; tôm sú hơn 300 kg; tôm thẻ hơn 600 kg; tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 210 triệu đồng, tăng hơn 60 triệu đồng so với năm 2023”, ông Tạo cho biết.
Tại xã Đông Hưng B, huyện An Minh, nông dân cũng đang bước vào thu hoạch đợt tôm chính vụ của năm 2024. Ông Lê Thanh Hải, xã Đông Hưng B phấn khởi cho biết, gia đình vừa thu hoạch xong vụ lúa lấp lại trên vùng đất tôm - lúa và tổng kết vụ mùa với thu nhập gần 400 triệu đồng. Ông Hải sản xuất mỗi 1 vụ lúa, 2 vụ tôm (gồm tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh) xen canh với cua biển và nuôi theo mô hình sản xuất an toàn sinh học, cho ăn ốc, hến, không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc hóa học và chỉ sử dụng men vi sinh để xử lý nguồn nước, tạo rong, tảo làm thức ăn tự nhiên cho các loài vật nuôi.
“So với những năm trước, giá tôm và giá lúa đều tăng cao hơn khoảng 15%, nhờ đó nên lợi nhuận mang lại cũng tăng theo. Tôi mong thời gian tới Nhà nước quan tâm và có những định hướng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ, chế biến chặt chẽ để nông sản nông dân làm ra có giá cả ổn định; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thủy sản để giúp người dân yên tâm sản xuất và có thể giàu, khá lên từ thửa ruộng, vuông tôm của mình”, ông Hải cho hay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2024 ước đạt hơn 800.000 tấn; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng hơn 400.000 tấn, đạt trên 100% kế hoạch năm, tăng hơn 6% so với năm 2023.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ do diện tích thả nuôi tăng, nhất là các loại thủy sản có giá trị cao như: tôm nước lợ, cua biển, cá nuôi lồng bè… Để nâng cao hiệu quả phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, ngành tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản, nhất là tôm giống, cua giống, đồng thời khuyến cáo nông dân mua con giống chất lượng ở các cơ sở sản xuất kinh doanh rõ ràng, uy tín để thả nuôi.
“Giá các loại tôm tăng và duy trì ở mức tương đối cao như hiện nay bên cạnh tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương còn có tác động tích cực đến việc phục hồi sản xuất của ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh”, ông Toàn cho hay.
Để ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm, cua nói riêng đạt hiệu quả trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, ngành sẽ chủ động triển khai các giải pháp tăng cường kiểm dịch chất lượng con giống; tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, cua theo hướng an toàn sinh học, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Cùng với đó, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương vận hành hệ thống công trình thủy lợi điều tiết nước phục vụ cho nuôi tôm, cua; vận hành hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ tốt cho người nuôi trồng thủy sản chủ động bảo vệ các loài vật nuôi an toàn, hiệu quả.
Văn Sĩ/TTXVN