Hơn một nửa số chuồng nuôi nhốt trâu, bò của gia đình anh Khỏe bỏ trống do giảm số lượng vật nuôi.
Hơn 10 năm nay, gia đình anh Trịnh Văn Khỏe, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hình thức vỗ béo với số lượng luôn duy trì khoảng 80 con/lứa. Đàn trâu, bò được nuôi nhốt hoàn toàn trong khu chuồng chăn nuôi xây dựng kiên cố, rộng rãi. Để đảm bảo thức ăn, anh Khỏe đã chuyển hơn 1ha đất ruộng, đất vườn sang trồng cỏ voi. Khi xuất bán trâu có giá cao, đàn trâu là vật nuôi đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, nuôi trâu, bò không đem lại hiệu quả kinh tế thay vào đó là những lo âu khi giá vật nuôi này xuống thấp và khó tiêu thụ. Anh Khỏe cho biết: “Trước năm 2021 trâu, bò có giá hơn 100.000 đồng/kg hơi, có thời điểm lên tới 130.000 đồng/kg hơi. Từ cuối năm 2021 đến nay giá trâu, bò hơi liên tục giảm dần, 1kg hơi từ hơn 100.000 xuống 90.000 rồi 70.000 và hiện nay giá khoảng 60.000 - 65.000 đồng. Giá liên tục giảm khiến việc chăn nuôi của gia đình tôi gặp khó khăn, thua lỗ. Do vậy gia đình đã chuyển sang nuôi trâu, bò thịt và chỉ dám nuôi cầm chừng, duy trì đàn từ 10 - 15 con.
Không chỉ gia đình anh Khỏe, việc giá trâu, bò liên tục giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã phải bù lỗ để duy trì đàn vật nuôi. Đàn trâu 8 con của gia đình chị Lường Thị Thanh, bản Noong Vai, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) đã nuôi cầm chừng hơn 3 năm nay. Dù đã quá thời kỳ xuất bán nhưng hi vọng giá bán trâu, bò sẽ tăng trở lại, gia đình chị vẫn duy trì nuôi cầm chừng để chờ được giá thì xuất chuồng. Vậy nhưng, càng nuôi lâu càng lỗ vốn khi giá trâu, bò không có dấu hiệu khởi sắc, cực chẳng đã, mới đây chị Thanh phải bán tháo đàn trâu mong vớt vát chút vốn. Chị Thanh chia sẻ: Sau bán, hạch toán lỗ hơn 100 triệu đồng. Bao công sức và vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng mong có thu nhập cao, ổn định, giờ lại lỗ vốn, lao đao. Giá cả bấp bênh và giờ cũng không còn vốn để đầu tư nên tôi không mặn mà với chăn nuôi trâu, bò.
Nguyên nhân chính khiến giá trâu, bò xuống thấp là do thị trường Trung Quốc cả thời gian dài gần như không nhập khẩu nguồn gia súc này. Đến khi thị trường mở cửa trở lại thì hoạt động nhập khẩu bị siết chặt, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước và trong tỉnh chậm khiến việc tiêu thụ trâu bò càng khó khăn. Việc gặp khó, thậm chí thua lỗ khi giá trâu, bò giảm hầu hết xảy ra ở các hộ chăn nuôi trâu, bò theo hình thức vỗ béo. Bởi thông thường nuôi theo hình thức này mỗi lứa chỉ nuôi từ 4 - 5 tháng là xuất chuồng, trong khi thị trường tiêu thụ bấp bênh, không ổn định nên khó xoay vòng nguồn vốn, nhất là đối với những gia đình vay vốn để chăn nuôi. Theo thống kê, hiện nay, đàn trâu trên toàn tỉnh có hơn 141.000 con; đàn bò trên 103.000 con. Trong khi đó, sản lượng thịt hơi dự ước năm 2024 đối với trâu đạt hơn 2.918 tấn và bò hơn 2.590 tấn.
Người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí chăn nuôi trâu, bò.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp ổn định sản xuất, tiết giảm chi phí. Người dân cần cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp và tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân các loại cây ngô, đậu, lạc)… để ủ lên men nhằm giảm chi phí và tạo nguồn thức ăn ổn định trong thời gian dài; phát triển diện tích trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời có giải pháp giảm đàn phù hợp, không giảm ồ ạt khiến nguồn cung bị “đứt gãy”.
Thực tế những năm qua cho thấy, khi giá trâu bò xuống thấp, để duy trì đàn trâu bò nhiều gia đình đã tăng diện tích trồng cỏ, giảm bớt chi phí chăn nuôi. Nhờ thế, diện tích trồng cỏ toàn tỉnh tăng lên đáng kể, từ hơn 1.000ha năm 2019 đến nay đã có hơn 5.000ha.
Toàn tỉnh hiện có hơn 5.000ha trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Theo nhận định của nhiều người chăn nuôi, giá trâu, bò mặc dù vẫn ở mức thấp nhưng thời gian qua đã duy trì ổn định nên thời điểm này nếu lựa chọn đầu tư chăn nuôi trâu bò sẽ giảm được chi phí mua con giống đầu vào và chăm sóc tốt sẽ có lãi. Bởi, một trong những lợi thế của việc phát triển chăn nuôi trâu bò trên địa bàn tỉnh là không phụ thuộc quá nhiều vào thức ăn công nghiệp mà chủ yếu tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và trồng cỏ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là mức tiêu thụ thịt trâu bò trong nước rất ít, thị trường Trung Quốc thì bấp bênh và hơn hết là nhiều hộ chăn nuôi đang lỗ vốn đầu tư từ những đợt chăn nuôi trước nên không còn nguồn lực đầu tư tiếp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không mặn mà với nghề chăn nuôi trâu, bò.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh trong năm 2025 là tăng đàn trâu lên hơn 146.000 con và duy trì đàn bò ở mức trên 103.000 con; sản lượng thịt trâu đạt 2.942 tấn; thịt bò đạt 2.592 tấn. Với những khó khăn người chăn nuôi trâu, bò đã và đang phải đối mặt thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi trâu, bò cần tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, thực hiện các biện pháp ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Về lâu dài, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi trâu, bò cần tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm gắn với chế biến để ổn định đầu ra, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.
Bài, ảnh: Thu Hằng