Ký ức tháng Tư lịch sử
50 năm trước, ngày 7-4-1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mang bí danh Văn đã ký bức điện khẩn với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” đã trở thành “kim chỉ nam” để cán bộ, chiến sĩ ở các binh đoàn chủ lực trên từng hướng khí thế tiến công, sẵn sàng hành quân tiến về nội đô Sài Gòn - Gia Định phá vỡ sào huyệt cuối cùng của ngụy, đập tan chế độ tay sai do đế quốc Mỹ dựng lên.
Cựu chiến binh Chu Văn Dạt trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bình Phước
Nhớ lại chiến dịch lịch sử tháng Tư của 50 năm trước, cựu chiến binh, thương binh Chu Văn Dạt ở ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú chia sẻ: Sau khi giải phóng Xuân Lộc (Đồng Nai), chúng tôi tập trung ở ngay nhà ga Dầu Giây. Đơn vị nhận nhiệm vụ sáng 26-4-1975, bằng mọi giá phải giải quyết trận địa Trảng Bom (Đồng Nai) để mở đường cho đại quân tiến vào. Sau khi nhận lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được phát 1 băng đỏ và mật khẩu là Việt Nam, đáp lại là Hồ Chí Minh và ngược lại. Chiều 26-4, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 tổ chức mật tập tiến vào căn cứ Trảng Bom. Đúng 5 giờ 30 phút ngày 27-4, ta đánh vào Chi khu Trảng Bom, đến 12 giờ đơn vị giải phóng trận địa pháo Trảng Bom. Tối 27-4, đơn vị nhận lệnh đánh Hố Nai. Quân ngụy lợi dụng ẩn nấp ở các tháp nhà thờ tại Hố Nai bắn xuống khiến bộ binh hy sinh tương đối. Mặc dù vậy, theo mệnh lệnh đơn vị tôi phải hoàn thành nhiệm vụ vào chốt cổng Sài Gòn để đại quân tiến vào. Khi đến Biên Hòa, Đại đội 7 được Sư đoàn 341 giao nhiệm vụ khẩn trương tiến về bảo vệ cầu Sài Gòn. Trên đường tiến về cầu Sài Gòn, chúng tôi liên tục gặp các cánh quân ngụy ở phía Vũng Tàu, Lái Thiêu tràn về nên rất nguy hiểm, khó khăn. Tuy vậy, Đại đội 7 vẫn kiên quyết trấn giữ đầu cầu Sài Gòn không cho địch tràn qua, không để cầu hỏng, giúp bộ đội tiến vào nội đô Sài Gòn.
Ở tuổi 70, thương binh 4/4 Chu Văn Dạt vẫn chăm chỉ lao động
Biên chế ở Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, cựu chiến binh Nguyễn Duy Tuế ở phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài vẫn nhớ như in hình ảnh cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực chuẩn bị súng đạn, lương thực để mang vác gọn nhẹ, tập các động tác lên xuống xe tải, xe tăng và sẵn sàng tác chiến khi gặp địch với tác phong nhanh nhẹn, thuần thục. Ông Tuế kể: Sau khi giải phóng Long Khánh (Đồng Nai), đơn vị tập kết tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26-4-1975, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quân đoàn 4 quán triệt từ quân đoàn đến đại đội hạ quyết tâm nhanh nhất, không phải giờ, ngày mà càng nhanh càng tốt. Đêm 29-4, đội hình của Sư đoàn 7 bắt đầu tiến quân vào hướng Đông Bắc Sài Gòn đi tuyến Hố Nai. Bấy giờ, số tàn quân của Sư đoàn 18 ngụy rút về Biên Hòa, lợi dụng các điểm cao nhất là nhà thờ chỉ điểm cho trận địa pháo bắn vào quân ta, trong đó có Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Một vài xe tăng đi đầu bị bắn cháy. Sư đoàn chỉ đạo phá hủy điểm đó. 5 giờ 30 phút sáng 30-4, sư đoàn hành quân vào Sài Gòn. Khi đến khu vực cầu Hang (Bình Thạnh ngày nay) bị đánh sập nên phải vòng qua thành phố Biên Hòa, quay ra ngã ba Tam Hiệp. Tại đây xe trinh sát bị cháy, đội hình dừng lại để khắc phục rồi tiếp tục đi vào hướng xa lộ Hà Nội. Do gặp chướng ngại vật xe container, bom mìn cài sẵn của địch nên tác động đến thời gian tiến vào nội đô Sài Gòn. Khi chúng tôi vào tới ngã tư Hàng Xanh, chạm cửa ngõ Sài Gòn, người dân ra đường đón và chỉ dẫn xe tăng, xe pháo đi hướng Hàng Xanh hướng về Đài truyền hình, vào đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Duẩn… Lúc đó, đơn vị nào cũng hạ quyết tâm được vào cắm cờ ở Dinh Độc Lập. Với nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ, chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù có hy sinh.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Tuế ngắm nhìn bức hình chụp cùng đồng đội sau ngày giải phóng 30-4, tự hào về một thời lịch sử hào hùng
Biên chế ở đơn vị mũi nhọn đầu tiên thọc vào Dinh Độc Lập, cựu chiến binh Lê Văn Nhấn ở xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng cho biết: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Ngày 30-4-1975, khoảng từ 10 giờ đến 10 giờ 30 phút, trung đoàn vào đến đầu cầu xa lộ. Vượt những trở ngại từ quân ngụy, chúng tôi qua cầu xa lộ sang Hàng Xanh. Lúc đó người dân đứng rất đông hai bên đường vẫy cờ giải phóng đón chào. Trung đoàn tôi được tăng cường 2 xe tăng. Xe đầu tiên của anh Bùi Quang Thận húc không đổ hàng rào, đến xe thứ hai thì đổ. Phó ban cán bộ của trung đoàn cùng đồng chí Trung đoàn phó và 1 trợ lý tiến vào Dinh Độc Lập bắt Tổng thống ngụy Dương Văn Minh. Lúc đó, Đại đội 9 được lệnh nhanh chóng tiếp quản cảng Bạch Đằng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4, trên đài phát thanh, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện…
Thời khắc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập khẳng định Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cựu chiến binh Nguyễn Duy Tuế mắt rớm lệ nhớ lại: Nghe tin chiến thắng, không khí như vỡ òa. Bộ đội ôm nhau khóc, nhân dân ôm bộ đội khóc. Chúng tôi khóc vì niềm vui, hạnh phúc, khóc vì chiến thắng, rất xúc động!
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Tuế hiến một phần diện tích đất của gia đình để Nhà nước làm đường Võ Văn Tần
“Dũng sĩ bắn máy bay”, Chính trị viên Đại đội 9 Lê Văn Nhấn bồi hồi kể lại: Tại bến cảng Bạch Đằng, nghe Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi ôm lấy nhau khóc. Mừng đất nước toàn thắng và hạnh phúc là mình còn sống đến ngày đất nước hòa bình.
“Ðại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh có giá trị vô cùng to lớn. Ðây là thắng lợi của cả lực lượng, của cả một đất nước, của một đảng cầm quyền. Thắng lợi của nghệ thuật quân sự tài tình, sáng tạo, đúng đắn, thể hiện ý chí độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và khát khao hòa bình. Trong giai đoạn hiện nay, nói về khát vọng hòa bình, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, kỷ nguyên vươn mình, tương lai đất nước có kinh tế vững, thực lực phải hùng, dân phải yên và đó là sự tiếp nối nghệ thuật cách mạng của 50 năm trước”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng,Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh
Tỏa sáng giữa thời bình
Giá trị của hòa bình, tự do được phát huy trong đời sống mới khi những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa trở về tỏa sáng giữa đời thường. Trong kháng chiến chống Mỹ 2 lần được phong tặng “Dũng sĩ bắn máy bay”, khi về đời thường, đảng viên, cựu chiến binh Lê Văn Nhấn luôn là gương sáng trong phát triển kinh tế và nuôi dạy các con. Dù tuổi cao, ông vẫn tích cực lao động trên 3 ha đất trồng sầu riêng xen các loại cây trồng khác. Ông còn đào ao thả cá nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Nhấn chia sẻ: Dù tuổi cao song tinh thần lao động vẫn tích cực. Trước hết là tiếp tục nâng cao đời sống và để động viên, khuyến khích con cháu không ngừng học tập, lao động sáng tạo và cống hiến. Hiện nay, các con của tôi kinh tế khá giả và tích cực với hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Đó cũng là cách gia đình giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, trách nhiệm với quê hương và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Chiến đấu kiên cường từ chiến trường Quảng Trị đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cựu chiến binh Lê Văn Nhấn ở xã Minh Hưng, huyện Bù Ðăng cùng gia đình vẫn tích cực lao động sản xuất xây dựng quê hương phát triển
77 tuổi, cựu chiến binh Lê Văn Nhấn vẫn tích cực lao động sản xuất
Trở về đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Duy Tuế tích cực tham gia công tác xã hội. Ông nhiệt tình đảm nhận các công việc xã hội, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Với tinh thần tự nguyện “việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến”, gia đình ông đã hiến khoảng 2.800m2 đất để Nhà nước làm đường, góp phần xây dựng thành phố Đồng Xoài khang trang, hiện đại.
Sau 50 năm đất nước hòa bình, cuộc sống của cựu chiến binh Chu Văn Dạt nay đã có nhiều thay đổi. Ở tuổi 70, ông vẫn cùng vợ con tích cực lao động, sản xuất và giáo dục con cháu thi đua yêu nước, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Từ câu chuyện của những cựu chiến binh, người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thêm một lần nhắc nhớ mỗi chúng ta dấu mốc vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình. Để từ đó ra sức thi đua, cống hiến hết mình vì sự phát triển phồn thịnh, giàu mạnh của đất nước.
Cẩm Liên