Giá trị của sự tinh tế

Giá trị của sự tinh tế
5 giờ trướcBài gốc
Giá trị của sự tinh tế (ảnh minh họa)
“Tinh” có nghĩa là tao nhã, thận trọng, là phần tinh túy nhất. “Tế” là tinh vi, tinh xảo, cặn kẽ, kỹ lưỡng. Kết hợp 2 chữ này với nhau thành từ “tinh tế”, có nghĩa là sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cặn kẽ trong mỗi lời nói, cử chỉ, hành động.
Những người tinh tế thường có suy nghĩ rất sâu sắc, óc quan sát tỉ mỉ và nhanh nhạy. Họ có thể đồng thời còn là những người lãng mạn, nhạy cảm, luôn biết quan tâm và nghĩ cho người khác, đôi khi còn nhận cả phần thiệt thòi về phía mình.
Tôi là giáo viên bậc THCS, dạy học cũng nhiều năm nên thường xuyên tiếp xúc với con trẻ. Chỉ cần quan sát hành động, thói quen của các em là tôi có thể cảm nhận phần nào cách giáo dục của người lớn trong nhà. Bản tính trẻ con nghịch ngợm, hiếu động, suy nghĩ đơn giản. Nhưng có những đứa trẻ tinh ý đến độ chỉ cần nhìn biểu hiện trên sắc mặt của thầy-cô giáo là đã biết điều chỉnh hành vi của mình.
Có hôm lên lớp, trong lòng tôi có chút phiền muộn, có lẽ vì thế mà bài giảng có phần rời rạc, không được cuốn hút. Cuối giờ, một bạn nhỏ tiến về phía bàn giáo viên, hỏi rất nhỏ, chỉ vừa đủ để tôi nghe: “Cô ơi, cô có chuyện gì sao ạ?”.
Nghe giọng nói nhẹ thanh, nhìn gương mặt có phần lo lắng của bạn nhỏ hôm ấy, tự dưng tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ xíu đang chìa về phía mình, tôi thầm cảm ơn những người lớn đã nuôi dạy một đứa trẻ tuyệt vời đến thế. Để ý quan sát, theo dõi quá trình trưởng thành của những đứa trẻ tinh tế như vậy, khi chúng lớn lên, luôn là những người đem lại sự ấm áp cho người ở cạnh bên.
Nhưng cũng không ít lần, tôi phải chứng kiến sự khó chịu của mọi người trước hành động thiếu tinh tế của một ai đó gây nên. Cuộc họp đang hết sức nghiêm trang, bỗng nổi lên tiếng rì rầm nói chuyện, thậm chí cười thật lớn tiếng khiến người chủ trì phải dừng lời.
Buổi tiệc tối ấm áp của một nhóm bạn, mọi người ngồi yên lặng, dừng hẳn việc ăn uống, tập trung lắng nghe một người bạn vừa chơi guitar vừa hát. Thế nhưng ở bàn ngay sát cạnh bên, vài ba người vẫn hô vang “dzô dzô dzô”.
Có lần, đang ăn uống vui vẻ thì một người bạn đã đứng dậy bỏ về, chỉ vì một người ngồi cùng bàn đã vô ý nói những lời đụng chạm đến đời sống riêng tư của bạn. Rồi thì có người vừa nhồm nhoàm thức ăn trong miệng, vừa nói chuyện cười đùa. Kẻ thì nhổ nước bọt, vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Nhiều người ở phòng chờ sân bay, công viên mà chiếm hẳn một dãy ghế, vừa để đồ đạc, vừa nằm dài ra. Đến những nơi trang nghiêm mà ăn mặc váy áo cũn cỡn, hở hang phản cảm…
Bao nhiêu chuyện bi hài cũng do nhận thức và sự kém tinh tế gây nên, khiến mình trở thành sự khó chịu cho những người xung quanh.
Nhường chỗ ngồi cho người yếu thế hơn mình; cất đặt thức ăn để phần cho người đi vắng; kiềm chế sự nóng giận khi tranh cãi; nhường lời cho người khác trong một cuộc chuyện trò; giữ ý tứ khi ở nơi công cộng… Ngàn vạn những hành động chúng ta tưởng là nhỏ nhặt, nhưng chính những hành động ấy lại dần dần hình thành nên thói quen, tính cách và nhân cách của một con người.
Đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Tan vỡ” của Dư Thị Hoàn: “Mở ngăn kéo rồi, anh bỏ ngỏ/Bút viết xong không đậy nắp bao giờ/Ôi anh yêu, lơ đãng đến là/Con nai rừng của em…/Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/Chúng mình sẽ thành chồng vợ/Nếu không có một lần/Một lần như đêm nay/Sau phút giây/Êm đềm trên ghế đá/Anh không cài lại khuy áo ngực cho em”.
Người ta có thể vì yêu mà chấp nhận bỏ qua mọi khiếm khuyết cho nhau, nhưng cuối cùng, vì một hành động thiếu tinh tế mà chàng trai trong bài thơ đã mất đi một cuộc tình đẹp, mất đi một người yêu thương mình. Đó chẳng phải là điều đáng tiếc lắm hay sao!
ĐÀO AN DUYÊN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/gia-tri-cua-su-tinh-te-post308771.html