Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025 diễn ra từ ngày 16/4 - 21/4 trên phạm vi cả nước. Tuần lễ Thương hiệu quốc gia năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2024. Ảnh: Vietnam Brand
Tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2025 theo hình thức hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) tại Hà Nội với chủ đề: “Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo”.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, trải qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Cụ thể:
Thứ nhất, nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng DN và xã hội đã được nâng cao rõ rệt.
Điều này thể hiện qua số lượng DN quan tâm đến Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thông qua việc tham gia, tương tác với các hoạt động cụ thể của chương trình tăng đều qua các năm. Năm 2024, kỳ xét chọn lần thứ 9 đã có 190 DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng hơn 6 lần so với năm 2008 (năm đầu tiên tổ chức việc xét chọn DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam).
Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều DN Việt Nam đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của DN. Kết quả, trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%.
Viettel là DN Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024”. Ảnh: Viettel
Thứ hai, nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới. Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là DN Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance) và đứng ở vị trí 241.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index - BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA - mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Điều này giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16.
Thương hiệu VinFast lần đầu tiên được vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu đạt mức 142%, giành vị trí dẫn đầu thương hiệu có giá trị thay đổi lớn nhất Việt Nam, đạt 181 triệu USD. Bước đầu đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam với các thương hiệu ô tô, xe máy lớn khác trên toàn cầu.
Thứ ba, giá trị, vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam gia tăng mạnh mẽ qua các năm. Theo Brand Finance (tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh), Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023 là 102%. Đến năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Brand Finance định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023 dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
“Đó là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm và DN. Đồng thời, là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng DN Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu.” – ông Hoàng Minh Chiến khẳng định.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai, nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các DN Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ánh Ngọc