Giá urê tăng cao thúc đẩy lợi nhuận của DPM và DCM trong giai đoạn 2025-2029

Giá urê tăng cao thúc đẩy lợi nhuận của DPM và DCM trong giai đoạn 2025-2029
7 giờ trướcBài gốc
Giá urê tăng mạnh: Động lực thúc đẩy ngành phân bón
Báo cáo ghi nhận diễn biến giá urê Trung Đông tiếp tục tăng mạnh, dự báo đạt 395 USD/tấn trong năm 2025, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm, mức giá còn bật cao lên tới 402 USD/tấn, chủ yếu do nguồn cung khí đốt bị thiếu hụt từ các nước Iran, Ai Cập, EU và nhu cầu lớn tại Ấn Độ.
Cùng với diễn biến quốc tế, giá bán urê trong nước dự báo tăng lần lượt 7,8% tại DPM và 6,1% tại DCM so với các dự báo trước, đồng thời tác động cộng hưởng từ chính sách thuế GTGT ưu đãi 5% có hiệu lực từ ngày 01/7 giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất đáng kể.
Bối cảnh này còn bị chi phối bởi các chính sách thuế nhập khẩu phân bón cứng rắn của EU đối với nguồn hàng từ Nga, Belarus và mức thuế carbon gia tăng ở các thị trường lớn. Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) ghi nhận nhu cầu toàn cầu tăng trưởng trung bình 2,4%/năm cho giai đoạn 2024-2030; năm 2024, tiêu thụ phân bón nitơ lập kỷ lục mới, được các chính sách an ninh lương thực ở Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy.
Biểu đồ thể hiện diễn biến giá urê tại các khu vực lớn trên thế giới (Biển Đen, Mỹ, Trung Đông, Trung Quốc...) và giá dầu Brent giai đoạn 2021–2025.
Đáng chú ý, bất chấp việc Trung Quốc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu urê từ tháng 6/2025, tác động lên giá thế giới vẫn hạn chế khi áp dụng hạn ngạch và mức giá tối thiểu FOB 370 USD/tấn được giữ vững. Riêng khu vực Đông Nam Á, nhu cầu tại Campuchia dự kiến tăng mạnh với DCM đang chiếm khoảng 40% thị phần.
Chi phí nguyên liệu đầu vào như khí thiên nhiên và dầu FO tại Việt Nam tiếp tục giữ xu hướng giảm hoặc ổn định ở mức thấp, góp phần giảm áp lực chi phí sản xuất. Thêm vào đó, giá nông sản tăng nhẹ duy trì sức mua tốt cho phân bón, tạo động lực hỗ trợ cho ngành trong trung hạn.
DPM, DCM: Triển vọng cổ phiếu
Báo cáo của Vietcap cho thấy triển vọng tích cực với hai doanh nghiệp đầu ngành là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, hiện đang duy trì thị phần urê nội địa lần lượt khoảng 35% và 32%, sở hữu các nhà máy quy mô lớn và liên tục đa dạng hóa sản phẩm.
DPM là nhà sản xuất urê hàng đầu Việt Nam với thị phần khoảng 35%, đồng thời kinh doanh các mặt hàng phân bón khác như NPK, SA, DAP. Công ty sở hữu nhà máy urê Phú Mỹ với công suất 800.000 tấn/năm, nhà máy NPK-NH3 công suất 250.000 tấn/năm, cùng mạng lưới phân phối rộng lớn gồm 3.000 điểm bán lẻ. Về phát triển dài hạn, DPM đang tập trung nâng cao hiệu suất sản xuất và tối ưu hóa chi phí vận hành nhằm tăng trưởng bền vững.
Đối với DPM, khuyến nghị cổ phiếu ở mức khả quan với giá mục tiêu nâng lên 41.500 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế năm 2025 dự báo đạt 907 tỷ đồng, tăng 69% so với năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ giá urê tăng, tiết kiệm chi phí nhờ chính sách thuế GTGT ưu đãi 5%, và biên lợi nhuận gộp dự phóng cải thiện từ 14,1% lên 19%. Tỷ lệ tiền mặt ròng/vốn chủ sở hữu luôn giữ ở mức trên 65%, củng cố nền tảng tài chính an toàn trước diễn biến biến động giá nguyên vật liệu.
Bảng so sánh quy mô, hiệu quả tài chính, định giá và các chỉ số vận hành giữa DPM, DCM (Việt Nam) với các doanh nghiệp phân bón hàng đầu trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan...
DCM là một trong hai nhà sản xuất urê lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 32% thị phần. Công ty sở hữu nhà máy urê có công suất 800.000 tấn urê dạng hạt/năm và nhà máy NPK công suất 660.000 tấn/năm. Triển vọng tăng trưởng của DCM không chỉ dựa trên mảng urê và hiệu suất hoạt động mảng NPK được cải thiện rõ rệt mà còn đến từ các kế hoạch đầu tư mở rộng có quy mô lớn, tập trung vào ba trụ cột chính: lĩnh vực khí và hóa chất công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng logistics và mở rộng năng lực sản xuất.
Cụ thể, DCM đang theo đuổi dự án xây dựng nhà máy và cảng Nhơn Trạch, tổng đầu tư 3.400 tỷ đồng, với mục tiêu tăng công suất tồn kho, giảm chi phí logistics và cung cấp dịch vụ cảng cho tàu tải trọng đến 45.000 tấn. Dự án này dự kiến góp phần tối ưu hóa chi phí vận chuyển, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dài hạn cho công ty. Ngoài ra, DCM đầu tư khoảng 200 triệu USD vào lĩnh vực khí và hóa chất công nghiệp, mở rộng dòng sản phẩm và gia tăng hiệu quả chuỗi giá trị trong ngành hóa chất.
Tóm tắt giả định và định giá dòng tiền chiết khấu (DCF) của DCM giai đoạn 2025–2029.
Bên cạnh đó, DCM còn phát triển các hạng mục phụ trợ như kho chứa 12.000 tấn và nhà máy sản xuất CO2 cấp thực phẩm dự kiến vận hành thử nghiệm vào năm 2025, góp phần tăng khả năng phục vụ sản xuất và thị trường xuất khẩu. Toàn bộ các dự án đầu tư này không chỉ hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tại mảng urê, NPK mà còn đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu rủi ro tập trung vào một nhóm sản phẩm.
Khuyến nghị đối với DCM được giữ vững ở mức mua, với giá mục tiêu điều chỉnh tăng lên 40.700 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế năm 2025 dự báo đạt 1.721 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rủi ro do chi phí khí đầu vào có thể tăng nhẹ trong những năm tới, cần được giám sát nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành bền vững.
Vietcap cho biết cả DPM và DCM được xác định là hai doanh nghiệp dẫn đầu với mô hình tài chính lành mạnh, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và các dự án đầu tư phát triển quy mô lớn nhằm duy trì và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Nga Chen
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/gia-ure-tang-cao-thuc-day-loi-nhuan-cua-dpm-va-dcm-trong-giai-doan-2025-2029.html