Ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng nhẹ 3 đồng so với phiên hôm qua, lên mức 24.854 VND/USD. Theo đó, với biên độ dao động 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong khoảng 23.612 - 26.096 đồng/USD.
Tỷ giá bán USD tăng kỷ lục, vượt mốc 26.000 VND/USD
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tăng 3 đồng/USD, được điều chỉnh lên mức 23.662 - 26.046 đồng/USD (mua vào - bán ra). Tuy nhiên, động thái đáng chú ý là tại các ngân hàng thương mại, ngay khi mở cửa phiên giao dịch, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng mạnh, chính thức vượt mốc 26.000 VND/USD, mức cao nhất trong lịch sử.
Cuối phiên giao dịch ngày 3/4, tại Vietcombank, giá USD bật tăng 180 đồng cả hai chiều mua vào - bán ra, lên 25.610 - 26.000 VND/USD. Vietinbank niêm yết ở mức 25.628 - 25.988 VND/USD, tăng mạnh 328 đồng chiều mua và 108 đồng chiều bán ra. Eximbank tăng giá USD lên mức 25.610 - 26.010 đồng/USD (mua - bán), đắt hơn 180 đồng.
Lo ngại giảm nguồn cung USD
"Lý do tỷ giá USD/VND tăng mạnh có thể đến từ lo ngại xuất khẩu của Việt Nam giảm, dẫn đến nguồn thu USD giảm theo. Mặc dù cung USD giảm, nhưng nhu cầu USD vẫn tăng do cần nhập khẩu máy móc phục vụ cho đầu tư" - TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính lý giải.
Với biên độ tăng vài trăm đồng chỉ trong một phiên, đây là mức biến động mạnh nhất trong nhiều tháng qua. Hơn ba tháng đầu năm, tỷ giá USD bán ra của Vietcombank tăng 1,7%, trong khi tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng 519 đồng, cao hơn đáng kể so với mức tăng 469 đồng trong cả năm 2024.
Đợt giá USD tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam.
Dự báo, việc Mỹ áp thuế có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, giảm nguồn cung USD từ thặng dư thương mại. Nhà đầu tư có thể lo ngại về triển vọng kinh tế Việt Nam, dẫn đến tâm lý giữ USD, hoặc chuyển vốn ra ngoài, đẩy tăng nhu cầu USD trong nước và đẩy tỷ giá USD/VND lên. Các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc nợ bằng USD có thể mua vào USD để phòng ngừa rủi ro, càng làm tỷ giá tăng nhanh hơn.
Áp lực mất giá nhiều đồng tiền do thuế quan của Mỹ
Điều đáng chú ý là chỉ số DXY - thước đo sức mạnh đồng USD, lại suy yếu nhất trong vòng 6 tháng qua, với mức giảm mạnh 2,3%, chỉ còn 101,55 điểm, bất chấp chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump. Theo giới phân tích, bảng thuế suất thuế đối ứng áp lên các đối tác thương mại của Mỹ tồi tệ hơn dự đoán và có thể làm tăng nguy cơ suy thoái ở Mỹ.
Các mức thuế trừng phạt của Tổng thống Trump tác động mạnh đến châu Á, với mức thuế đối ứng cao 46% đánh vào Việt Nam do có thâm hụt thương mại lớn thứ hai với Mỹ sau Trung Quốc. Một số quốc gia khác cũng chịu thuế suất cao như: Campuchia là 49%, Sri Lanka là 44% và Bangladesh là 37%...
Các nền kinh tế lớn trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc có mức thuế thấp hơn, khoảng 24 - 26%. Tuy nhiên, Singapore có mức thuế tương đối thấp, chỉ 10%, do thâm hụt thương mại song phương với Mỹ nhỏ hơn.
Các mức thuế nhập khẩu mới này nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Mối lo lớn nhất là điều này sẽ dẫn đến thuế đối ứng từ các quốc gia khác, dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện, có thể làm chậm lại tăng trưởng toàn cầu, gia tăng lạm phát và tạo áp lực mất giá lên tiền tệ khu vực.
Cùng với đó, lạm phát cao hơn ở Mỹ cũng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gặp khó khăn. Việc giảm lãi suất như dự đoán vào năm 2025 sẽ trở nên khó khăn. Các đồng tiền châu Á có thể chịu áp lực giảm giá mạnh hơn khi tâm lý thị trường trở nên thận trọng, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Bảng thuế suất thuế đối ứng Mỹ áp lên một số quốc gia tại châu Á. Ảnh tư liệu.
Trong phiên họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành sáng ngày 3/4 đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Theo đó, Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ bằng cách đưa ra thêm các nhượng bộ, chẳng hạn như giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, bao gồm ô tô, khí hóa lỏng và một số sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nguy cơ, gây suy giảm nguồn cung USD
Trong báo cáo góc nhìn tín nhiệm "Thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ thách thức các nhà sản xuất và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam" công bố mới đây, chuyên gia từ VIS Rating nhận định, khi Việt Nam bị tăng thuế thì những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.
Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.
Nguồn: VIS Rating.
Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.
Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút, dẫn đến nguồn cung USD suy giảm.
Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Ánh Tuyết