Giá vàng bật tăng trở lại, cơn bão lớn trước đợt suy yếu mới?

Giá vàng bật tăng trở lại, cơn bão lớn trước đợt suy yếu mới?
6 giờ trướcBài gốc
Giá vàng bứt tốc
Trong phiên giao dịch 20/5 trên thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng vọt thêm 2%, lên 3.295 USD/ounce. Tại thị trường châu Á, phiên 21/5, giá vàng tiếp tục tăng mạnh, vượt mốc 3.300 USD/ounce, đánh dấu sự trở lại ấn tượng sau nhiều tuần chịu áp lực giảm khá mạnh.
Trong nước, tính tới chiều 21/5, vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 118,5-121 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,7 triệu đồng mỗi lượng so với phiên trước. Giá vàng nhẫn cũng không nằm ngoài xu hướng, đạt 112-115 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới tăng giá trong bối cảnh đồng USD chịu áp lực suy yếu sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ “Aaa” xuống “Aa1” vào ngày 16/5 do lo ngại về nợ công ngày càng tăng. Đồng bạc xanh bị bán tháo, tạo điều kiện cho vàng - một tài sản định giá bằng USD - trở nên hấp dẫn hơn.
Giá vàng còn được thúc đẩy bởi những cảnh báo thận trọng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về triển vọng kinh tế, cũng như nỗi lo suy giảm tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Trung ương Úc vừa hạ lãi suất cơ bản nhằm hỗ trợ kinh tế.
Giá vàng tăng mạnh trở lại Ảnh: BT
Căng thẳng địa chính trị cũng góp phần quan trọng đẩy giá vàng tăng trở lại. EU và Anh áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào ngày 20/5, trong khi cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin không mang lại một cam kết ngừng bắn tại Ukraine.
Thêm vào đó, CNN dẫn nguồn tình báo Mỹ cho biết Israel có thể đang chuẩn bị tấn công cơ sở hạt nhân Iran đã làm dấy lên lo ngại về bất ổn khu vực, đẩy dòng tiền vào vàng - tài sản trú ẩn an toàn truyền thống.
Dữ liệu kinh tế không mấy tích cực từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là một yếu tố quan trọng. Việc PBoC hạ lãi suất đã làm gia tăng dòng tiền tìm đến vàng, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trên thị trường nội địa, nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh, đặc biệt là vàng miếng và vàng nhẫn, khi một số người dân xem vàng như một kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ biến động.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm khi nhà đầu tư tập trung vào cuộc bỏ phiếu về kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này khiến dòng tiền chuyển dịch từ chứng khoán trở lại sang các tài sản an toàn hơn như vàng.
Thị trường tiền số cũng chứng kiến sự chững lại khi Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác không còn giữ được sức hút như trước, một phần do lo ngại về quy định chặt chẽ hơn từ chính quyền Mỹ.
Liệu có nguy cơ một cú lao dốc?
Nhìn về ngắn hạn, giá vàng được nhiều tổ chức dự báo tiếp tục tăng. Mặt hàng kim loại quý được hỗ trợ bởi các yếu tố địa chính trị và kinh tế. Thông tin tình báo Mỹ về khả năng Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran, dù chưa được xác nhận, là một yếu tố rủi ro lớn.
Nếu căng thẳng leo thang, đặc biệt trong trường hợp Mỹ và Iran không đạt được thỏa thuận hạt nhân, giá vàng có thể chạm mức 3.400 USD/ounce hoặc cao hơn như dự báo của một số tổ chức lớn như Goldman Sachs.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một động lực quan trọng. Giám đốc điều hành JP Morgan, Jamie Dimon, cảnh báo rằng tác động của cuộc chiến thương mại này vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ và thị trường chứng khoán Mỹ có thể lao dốc, đẩy dòng tiền tiếp tục chảy vào vàng.
Tuy nhiên, một số yếu tố có thể kìm hãm đà tăng hoặc thậm chí đẩy giá vàng giảm mạnh.
Tại Trung Đông, chuyến công du của Tổng thống Trump tới 3 quốc gia khu vực này đã mang lại các thỏa thuận có tổng trị giá 3.200 tỷ USD, tập trung vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Nếu các nỗ lực ngoại giao của ông Trump thúc đẩy hòa bình và biến Trung Đông thành một trung tâm phát triển mới, nhu cầu tài sản trú ẩn như vàng có thể giảm.
Tương tự, tại Ukraine, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang được đẩy nhanh. Nếu xung đột tại đây giảm nhiệt, tâm lý rủi ro trên thị trường toàn cầu sẽ cải thiện, khiến nhà đầu tư chuyển dòng tiền từ vàng sang các tài sản rủi ro cao hơn như cổ phiếu hoặc tiền số.
Đồng USD, dù đang suy yếu, cũng có thể phục hồi nếu Fed thay đổi lập trường chính sách hoặc nếu tâm lý thị trường cải thiện nhờ các thỏa thuận thương mại.
Trong ngắn hạn, vàng vẫn được hỗ trợ bởi bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông và Ukraine thành công, giá vàng có thể đối mặt với áp lực giảm mạnh, đặc biệt khi dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán và tiền số.
Dù vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, với các tác động chưa được định lượng đầy đủ, có thể ngăn giá vàng giảm sâu. Giá vàng vẫn được dự báo sẽ duy trì trong khoảng 3.200-3.300 USD/ounce vài tuần tới.
Mạnh Hà
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/gia-vang-bat-tang-tro-lai-con-bao-lon-truoc-dot-suy-yeu-moi-2403431.html