Vàng không còn là "nơi trú ẩn an toàn"
Nêu ý kiến trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội sáng 23/5, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) phân tích xu hướng tăng giá của vàng và tác động cực kỳ to lớn của mặt hàng kim loại quý này đối với lạm phát, bất ổn của nền kinh tế.
Đại biểu dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 30% và lập đỉnh 28 lần, chạm mốc 3.500 USD/ounce ngày 23/4/2025. Ngân hàng JPMorgan dự báo đà tăng giá vàng vẫn tiếp tục và có thể đạt mốc 4.000 USD/ounce, vượt xa các dự báo trước đó.
Theo đại biểu đoàn Quảng Trị, vàng từng được coi là “nơi trú ẩn an toàn” nhưng đến nay mặt hàng này là một tài sản bấp bênh.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị). (Ảnh: Media Quốc hội)
“Báo chí từng thông tin có người lỗ hàng trăm triệu đồng chỉ trong vài ngày do biến động khó lường của giá vàng. Giá vàng tăng mạnh tạo ra tác động sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân”, đại biểu Đồng nói.
Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của giá vàng không thể bỏ qua. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2024, giá vàng tăng khoảng 13,78%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2%. Đây là sự liên kết giữa giá vàng và giá trị hàng hóa tiêu dùng.
Đại biểu cho rằng, vàng tăng giá sẽ dẫn đến áp lực lạm phát lớn. “Khi hàng hóa tiêu dùng đắt đỏ, sẽ dẫn đến chi phí sản xuất và phân phối tăng theo. Điều này sẽ gây suy giảm sức mua của người dân, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho đại bộ phận người dân”.
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh, chúng ta có thể phải đối mặt với một đợt lạm phát phi mã, khiến giá hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng bị đẩy giá lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế.
“Không thể chỉ nhìn nhận vàng như một tài sản đầu tư truyền thống. Vàng còn là thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam cần chủ động xây dựng một chiến lược dài hạn để ổn định nền kinh tế, tránh bị cuốn vào những cơn sóng đầu cơ vàng, và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải điều hành vàng rõ ràng, giảm thiểu biến động và đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất thay vì vào các tài sản dễ biến động.
Kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên sàn thương mại điện tử
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) nêu bật tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử hiện nay, gây thiệt hại lớn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính và ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin đối với môi trường kinh doanh số.
Đại biểu dẫn báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương cho biết, năm 2024 doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam đã vượt mốc 20,5 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2023.
Có gần 70% người tiêu dùng đô thị mua hàng online ít nhất 1 lần/tháng. Dự báo đến năm 2030, nếu được quản lý và đầu tư bài bản, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt quy mô từ 50-60 tỷ USD, trở thành 1 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Quang cảnh phiên thảo luận ở tổ TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: BÙI GIANG)
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay đang diễn ra một thực trạng đáng báo động, đó là tỷ lệ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử vẫn ở mức cao, đặc biệt trong các ngành hàng như thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… thời gian gần đây đã bị phát hiện, báo đài phản ánh thường xuyên, liên tục.
Và khi thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng công tác quản lý chưa theo kịp đã xuất hiện nhiều hàng trôi nổi, làm giả thương hiệu nội địa, gây mất niềm tin người tiêu dùng.
“Có nhiều doanh nghiệp bức xúc kêu rằng, họ liên tục bị làm giả thương hiệu và sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop. Thậm chí, có tình trạng gian thương lợi dụng khuyến mãi để tiêu thụ hàng kém chất lượng. Trong đó, có rất nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước láng giềng gây thiệt hại nghiêm trọng cho uy tín và doanh thu của các cơ sở sản xuất chính hãng trong nước”, đại biểu Tuấn nói.
Các đại biểu Quốc hội dự thảo luận tại tổ sáng 23/5. (Ảnh: BÙI GIANG)
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương, năm 2024 vừa qua lượng khách hàng mua trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống giảm hơn 30% tại các đô thị lớn. Còn các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa nhỏ… dần mất khách vì không có chương trình khuyến mãi linh hoạt như thương mại điện tử.
Từ những bất cập trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành quy định với các nội dung chặt chẽ hơn “bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải xác thực danh tính người bán” bằng mã số thuế, căn cước công dân và chịu trách nhiệm liên đới nếu để hàng giả tồn tại quá 24 giờ sau khi có cảnh báo.
Cùng với đó, có hình thức xử lý mức phạt cao đối với các sàn thương mại điện tử cố tình cho tồn tại các gian hàng có hàng hóa vi phạm, nhưng gian hàng đó vẫn tồn tại bằng vỏ bọc mới, với số lượt bán loại hàng hóa đó vẫn duy trì… Đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề, đặc biệt tại các nhóm ngành có nguy cơ làm giả cao.
Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo triển khai quy định về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện dấu hiệu bất thường” về giá, hình ảnh, mô tả sản phẩm; áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trên toàn hệ thống, nhất là với sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng nhanh.
Trên thực tế, một số quốc gia áp dụng công nghệ AI trong kiểm soát hàng giả và đã mang lại hiệu quả tích cực. Chẳng hạn, sàn thương mại điện tử Shopee Singapore, từ năm 2023 đã áp dụng hệ thống AI quét ảnh, tên sản phẩm, từ khóa mô tả...; việc ứng dụng này đã giảm hơn 40% đơn khiếu nại hàng giả, xử lý vi phạm trong vòng 12 giờ.
Hoặc sàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) đã dùng công nghệ AI quét 2 tỷ dữ liệu/ngày để khóa shop có dấu hiệu bất thường, qua đó đã giúp phát hiện và chặn 96% hàng giả trước khi lên sàn.
Từ những mô hình ứng dụng công nghệ này cho thấy công nghệ AI có khả năng hỗ trợ cơ quan quản lý và doanh nghiệp phát hiện, loại trừ hàng giả rất hiệu quả nếu được triển khai đúng cách.
Một đề xuất nữa được đại biểu Tuấn đưa ra là cần nghiên cứu tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt xây dựng gian hàng chính hãng (official store), ưu tiên quảng bá và vận chuyển - logistics.
“Bộ Công Thương cần phối hợp cùng các địa phương tăng cường truyền thông đưa tin về các trang web chính thống về chống hàng giả Việt Nam; hay các website về cảnh báo lừa đảo... Đồng thời, tích hợp vào các sàn thương mại điện tử lớn để người tiêu dùng cùng tham gia giám sát, đây cũng là giải pháp giúp người tiêu dùng không phí tiền để mua hàng giả trên các sàn thương mại điện tử”, đại biểu đoàn Trà Vinh kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ thí điểm bộ cơ chế kiểm soát hàng giả online tại 3 ngành hàng trọng điểm (mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng) trong năm 2025, áp dụng trên các sàn thương mại điện tử lớn (Tiki, Shopee, TikTok Shop...), sau đó tổng kết áp dụng đại trà trong năm 2026 trở đi.
VĂN TOẢN