Giá vàng được niêm yết cụ thể như sau:
Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng SJC Phú Quý: 87,6 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 200.000 đồng/lượng so với ngày 29-10), 89 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm qua ở cả 2 chiều).
Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 88,38 triệu đồng/lượng mua vào, 89,38 triệu đồng/lượng bán ra, tăng nhẹ ở cả 2 chiều (mua vào và bán ra).
Ảnh minh họa / Vietnam+
Vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội: 88,3 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 500.000 đồng/lượng so với ngày 29-10); 89 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 100.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua).
Giá vàng thế giới đêm 29-10, rạng sáng 30-10 tăng cao hơn khoảng 33,4% (690 USD/ounce) so với đầu năm 2024. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 85,3 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục leo thang bất chấp USD cũng tăng. Lạm phát chực chờ và lãi suất thấp toàn cầu tiếp tục hỗ trợ vàng cho dù giá đã có một chuỗi ngày dài tăng giá.
Trái ngược với nhiều dự báo, giá vàng thế giới tiếp tục tăng giá và chưa có tín hiệu điều chỉnh giảm sau 4 tuần tăng liên tiếp. Đồng USD cũng tăng giá, với chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - lên trở lại ngưỡng 104,5 điểm, so với mức 103,8 điểm trong phiên liền trước và mức 100,7 điểm hồi giữa tháng 9.
Vàng tăng giá dù chứng khoán và lợi tức trái phiếu Mỹ cũng tăng và cả nhiều loại tiền số, trong đó có Bitcoin, leo thang.
KIM NGÂN