Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Thị trường vàng thế giới tiếp tục bán mạnh trong phiên đầu tuần hôm nay (7/4), khi nhà đầu tư đương đầu với áp lực huy động tiền mặt để bù lỗ cho danh mục đầu tư cổ phiếu đang tiếp tục sụt giảm chóng mặt. Thông tin về xu hướng mua ròng vàng của Trung Quốc giúp vàng cầm cự mốc chủ chốt 3.000 USD/oz, trong khi giới phân tích tiếp tục lạc quan về triển vọng giá vàng trong dài hạn.
Lúc gần 17h chiều theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Âu giảm 17 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần trước tại New York, tương đương giảm 0,56%, giao dịch ở mức 3.022,8 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 94,5 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong giờ giao dịch tại thị trường châu Á, giá vàng có lúc giảm còn hơn 2.970 USD/oz.
Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt bán tháo dữ dội trong phiên đầu tuần, nối tiếp xu thế của tuần vừa rồi do nhà đầu tư lo sợ kế hoạch thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại căng thẳng trên phạm vi toàn cầu. Nỗi lo sợ này càng gia tăng khi Trung Quốc vào hôm thứ Sáu vừa rồi, chỉ hai ngày sau khi kế hoạch thuế quan đối ứng của ông Trump được công bố, đã tuyên bố áp thuế quan trả đũa 34% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc.
Tại châu Á, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 13% và Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 7,8%. Thị trường châu Âu vừa mở cửa, chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán khu vực đã giảm gần 5,1%.
Cổ phiếu bị bán tháo quá nhanh, quá mạnh dẫn tới lệnh gọi ký quỹ (margin call) dồn dập, buộc nhà đầu tư phải bán những tài sản có độ thanh khoản cao để huy động tiền mặt. Trong bối cảnh hiện nay, vàng được xem là tài sản hợp lý nhất để bán, không chỉ bởi vàng có thanh khoản tốt, mà còn là một tài sản đã lãi nhiều từ đầu năm.
Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 15% và lập kỷ lục khoảng 20 lần. Kỷ lục gần đây nhất của giá vàng là mức 3.167,57 USD/oz thiết lập vào hôm thứ Năm tuần trước. Thành quả tăng này có được do vàng phát huy mạnh vai trò kênh đầu tư an toàn khi bất ổn kinh tế và địa chính trị cùng tăng cao, bên cạnh xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương.
Dù giá vàng liên tục lập kỷ lục trong tháng 3, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBCO) đã có tháng mua ròng thứ 5 liên tiếp - theo số liệu được cơ quan này công bố ngày 7/4. Theo đó, dự trữ vàng của PBOC tăng thêm 0,09 triệu ounce trong tháng 3. PBOC mua ròng vàng trở lại từ tháng 11 năm ngoái, sau 6 tháng tạm dừng mua sau thời kỳ mua ròng kéo dài 18 tháng.
Theo chiến lược gia trưởng Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank, dù vàng đang bị bán mạnh, các yếu tố hỗ trợ giá vàng trong dài hạn vẫn duy trì.
“Một khi tình trạng bán tháo hiện nay trên thị trường tài chính lắng xuống, rủi ro suy thoái kinh tế trở nên rõ hơn, đồng USD mất giá, lãi suất thực giảm xuống, và kỳ vọng lãi suất tăng lên, tất cả sẽ giữ vai trò hỗ trợ cho sự phục hồi của giá vàng”, ông Hansen nói với hãng tin Reuters.
“Sự điều chỉnh hiện nay của giá vàng thực chất vẫn còn nông, vì các mức hỗ trợ chủ chốt vẫn đang duy trì, gồm mức thấp của tháng 1 là 2.975 USD/oz và mức cao của tháng 2 là khoảng 2.955 USD/oz”, ông Hansen nói thêm.
Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank cũng duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng tăng giá của vàng trong dài hạn.
“Chúng tôi kết luận rằng kịch bản giá lên của vàng vẫn còn mạnh, bất chấp sự điều chỉnh diễn ra trong tuần này. Chúng tôi cũng nâng dự báo giá vàng vào cuối năm nay lên mức 3.350 USD/oz”, một báo cáo của ngân hàng Đức nhận định.
Triển vọng kinh tế Mỹ xấu đi đang làm gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay. Sự dịch chuyển kỳ vọng lãi suất theo hướng này có lợi cho giá vàng vì vàng là một tài sản không mang lãi suất.
Theo Reuters, bình quân đặt cược của các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang là Fed phải giảm lãi suất 1,16 điểm phần trăm trong năm nay, bắt đầu vào tháng 6. Mức giảm lãi suất như vậy tương đương ít nhất 4 đợt giảm, mỗi đợt 0,25 điểm phần trăm.
Tuần này, hai báo cáo lạm phát tháng 3 của Mỹ, gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) có thể làm gia tăng sự biến động của giá vàng thông qua tác động tới kỳ vọng lãi suất Fed. Hai báo cáo này sẽ được Bộ lao động Mỹ công bố lần lượt vào ngày thứ Năm và thứ Sáu.
Trao đổi với trang Kitco News, ông Naeem Aslam - Giám đốc đầu tư của công ty Zaye Capital Markets - cho rằng vàng có khả năng giảm giá sâu hơn, nhưng ông chưa sẵn sàng đặt cược vào sự giảm giá của vàng.
“Tôi không muốn đặt cược vào sự giảm giá của vàng trong dài hạn, vì căng thẳng địa chính trị và mối lo lạm phát leo thang sẽ là những yếu tố hạn chế rủi ro giảm sâu của giá vàng. Tôi xem mỗi lần giảm của giá vàng là một cơ hội để mua, nhất là khi giá vàng giảm về những mốc chủ chốt như 3.000 USD/oz”, ông nói.
Điệp Vũ