Giá vàng trong nước cũng hạ nhiệt, quay về ngưỡng quanh 100 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng dài hạn vẫn tích cực.
Trong tuần giao dịch từ 31/3 đến 5/4, thị trường vàng chứng kiến biến động mạnh. Giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 97,1 - 100,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm lần lượt 1,7 triệu đồng và 1,2 triệu đồng so với tuần trước. Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng hiện đã nới rộng trở lại mốc 3 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn trơn cũng được điều chỉnh giảm, hiện dao động trong khoảng 97 - 100 triệu đồng/lượng. Một số thương hiệu tư nhân đã không còn giữ mức giá bán trên 101 triệu đồng/lượng như ở thời điểm đỉnh.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay giảm mạnh trong phiên cuối tuần, mất tới 80 USD/ounce, chốt ở mức 3.036 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới tương đương khoảng 95 triệu đồng/lượng – thấp hơn giá trong nước khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã có cú tăng mạnh hiếm có trong lịch sử khi vọt từ 2.500 USD/ounce lên 3.100 USD/ounce chỉ trong vòng hơn 7 tháng. Tuy nhiên, sau chuỗi tăng kéo dài, lực chốt lời đã xuất hiện khiến thị trường điều chỉnh.
Theo ông John Reade – Giám đốc chiến lược thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), đợt tăng giá mạnh thời gian qua xuất phát từ loạt yếu tố cộng hưởng: căng thẳng địa chính trị, rủi ro kinh tế toàn cầu và những bất ổn xoay quanh chính sách tiền tệ của Mỹ.
"Giá vàng phản ánh sự lo ngại của thị trường toàn cầu. Khi rủi ro gia tăng, vàng trở thành lựa chọn trú ẩn an toàn và là công cụ phòng vệ hiệu quả," ông John Reade nhận định.
Một yếu tố then chốt khác giúp củng cố đà tăng giá vàng là động thái mua ròng liên tiếp của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Theo dữ liệu từ WGC, trong suốt 15 năm qua, các ngân hàng trung ương đã liên tục tích trữ vàng. Riêng năm 2024, lượng mua vào đạt tới 1.045 tấn.
"Việc các ngân hàng trung ương tăng mua cho thấy vàng vẫn giữ vai trò chiến lược trong dự trữ ngoại hối quốc gia, nhất là trong giai đoạn bất ổn chính trị, tài chính kéo dài," ông Reade nói thêm.
Chốt lời ngắn hạn nhưng xu hướng dài hạn vẫn tích cực
Chris Vecchio – Trưởng phòng chiến lược của nền tảng giao dịch Tastylive.com cho rằng, việc giá vàng điều chỉnh sau khi đạt đỉnh là phản ứng bình thường của thị trường. Tuy nhiên, những yếu tố hỗ trợ giá vàng vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce vẫn còn vững chắc.
Vàng đang bước vào vùng quá mua, và đợt điều chỉnh này sẽ tạo tiền đề cho một chu kỳ tăng mới.
Cùng quan điểm, David Morrison, chuyên gia phân tích thị trường của Trade Nation, cho biết vàng đang bước vào vùng quá mua, và đợt điều chỉnh này sẽ tạo tiền đề cho một chu kỳ tăng mới, nếu vàng giữ được vùng hỗ trợ quanh 2.900 - 3.000 USD/ounce.
Neil Welsh – Trưởng phòng giao dịch kim loại quý của Britannia Global Markets – cũng lạc quan: “Đây là nhịp nghỉ cần thiết để thị trường vàng củng cố lại sức mạnh. Trong bối cảnh bất ổn hiện tại, vàng hoàn toàn có thể quay lại mốc kỷ lục trong quý tới.”
Thông tin quan trọng mà giới đầu tư đang chờ đợi trong tuần tới chính là các dữ liệu lạm phát tại Mỹ, yếu tố có thể tác động đến kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Phát biểu tại một sự kiện mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết thị trường lao động vẫn duy trì sức mạnh, nhưng rủi ro lạm phát chưa hoàn toàn biến mất. Fed sẽ tiếp tục theo dõi các dữ liệu kinh tế để ra quyết định chính sách trong các tháng tới.
Giá vàng điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh không khiến giới phân tích lo ngại. Trái lại, nhiều người xem đây là cơ hội mua vào. Với bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, vàng vẫn là lựa chọn được ưu tiên trong danh mục đầu tư an toàn của cả cá nhân lẫn tổ chức.
Quỳnh Hoa