Sau khi lập đỉnh cao lịch sử trong phiên 4/2 (rạng sáng 5/2 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á và châu Âu liên tiếp lập các đỉnh cao mới, vượt ngưỡng 2.850 USD/ounce, rồi 2.860 USD/ounce.
Tính tới 16h50 chiều 5/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đạt mức 2.868 USD/ounce (tương đương 88,5 triệu đồng/lượng).
Trong nước, giá vàng SJC và vàng nhẫn đều vọt lên ngưỡng 91 triệu đồng/lượng (giá bán). Đây là kỷ lục cao mới của vàng nhẫn, trong khi vàng miếng SJC chỉ còn kém một chút so với kỷ lục cũ 92,5 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 10/5/2024.
Vàng thế giới dồn dập đạt kỷ lục cao mới trong bối cảnh có nhiều yếu tố hỗ trợ đối với mặt hàng kim loại quý.
Đầu tiên là một đồng USD suy giảm khá nhanh sau khi đã tăng mạnh trước đó. Chỉ số DXY tụt giảm về ngưỡng 107,6 điểm so với mức trên 110 điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1. USD giảm giá khiến giá các loại hàng hóa tính bằng đồng tiền này giảm xuống.
Thứ hai là do giới đầu tư toàn cầu lo lắng và chuyển sang trạng thái bảo toàn vốn trong bối cảnh thế giới có quá nhiều bất ổn, từ chính trị tới kinh tế. Loạt chính sách của chính quyền ông Donald Trump làm thế giới chao đảo.
Giá vàng thế giới dự báo sớm vượt 2.900 USD và hướng tới 3.000 USD, vàng nhẫn có thể lên 100 triệu đồng/lượng. Ảnh: HH
Sức ép từ chính quyền ông Trump cùng với một số thông tin không tích cực về kinh tế Mỹ khiến nhiều người tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm quay lại kế hoạch hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế số 1 thế giới.
Cùng với đó, khu vực Trung Đông nổi sóng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp quản và có thể điều quân đến Dải Gaza. Ông Trump khẳng định người Palestine "không có tương lai lâu dài" tại đây. Chưa biết ông Trump sẽ thực hiện tuyên bố này như thế nào và tác động của nó có “mang lại ổn định lớn cho Dải Gaza, có thể là toàn bộ Trung Đông” hay không, nhưng khu vực này đã dậy sóng.
Giới đầu tư cũng quan ngại sau khi ông Trump cảnh báo sẽ xóa sổ Iran nếu bị ám sát. Ông Trump vừa ký sắc lệnh tái áp đặt “áp lực tối đa” lên Iran, trong đó có việc siết chặt lệnh trừng phạt với hoạt động bán dầu của chính quyền Iran.
Tại Ukraine, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Giá vàng thế giới cũng được hỗ trợ bởi thông tin từ Hội đồng vàng thế giới (WGC) về việc ngân hàng trung ương các nước mua hơn 1.000 tấn vàng trong năm 2024 - năm mua ròng thứ ba liên tiếp. Các ngân hàng này chiếm 20% tổng vàng được mua trong năm ngoái.
Nhiều yếu tố hỗ trợ, vàng sớm lên 3.000 USD/ounce
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường tại WGC, cho hay dữ liệu tiêu dùng tiếp tục cho thấy vàng đã khẳng định lại vị thế là một tài sản tài chính toàn cầu quan trọng.
Theo chuyên gia này, sở dĩ ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng mạnh mua vàng là bởi gánh nặng nợ chính phủ ngày càng tăng và bối cảnh địa chính trị thay đổi đáng kể.
Cũng theo Cavatoni, sự bất ổn địa chính trị mới do tính khó lường của chính quyền ông Trump gây ra sẽ tạo cơ sở cho ngân hàng trung ương các nước tiếp tục đẩy mạnh mua vàng. Những xung đột vũ trang, xung đột thương mại và kinh tế toàn cầu có thể hỗ trợ xu hướng mua ròng của các nước.
Bên cạnh đó, sự gia tăng bất ổn trên thị trường cổ phiếu, áp lực lạm phát gia tăng và tăng trưởng kinh tế trì trệ ở nhiều quốc gia sẽ đẩy các nhà đầu tư quay trở lại thị trường vàng thông qua các quỹ ETF.
Xét trên mọi khía cạnh, Cavatoni nhận định nhu cầu vàng sẽ vẫn ở mức cao cho đến hết năm 2025, ngay cả khi giá vàng đã tăng cao.
Joy Yang - chuyên gia đến từ MarketVector - cũng có dự báo tương tự khi cho rằng giá vàng có thể tăng cao hơn do tình trạng bất ổn địa chính trị chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Dù Tổng thống Mỹ gần đây trì hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada trong 30 ngày, nhưng sau đó vẫn có thể là những áp lực mới lên hai quốc gia này và rất nhiều nước khác, trong đó có các nền kinh tế thuộc EU... Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn.
Trung Quốc cũng vừa áp dụng các loại thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ và đưa một số công ty, trong đó có tập đoàn công nghệ Google, vào danh sách có thể bị trừng phạt. Đây là những đòn đáp trả cho việc Mỹ áp thuế 10% lên hàng Trung Quốc.
Dòng tiền rót vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ có thể suy giảm sau cú sốc DeepSeek và Alibaba Qwen của Trung Quốc và cũng có thể đổ vào vàng.
Chuyên gia đến từ Tastylive dự báo mốc quan trọng tiếp theo đối với giá vàng có thể là 3.000 USD/ounce (93 triệu đồng/lượng). Trước đó, nhiều tổ chức dự báo vàng sẽ lên mức này, nhưng trong nửa cuối năm 2025.
Mạnh Hà