trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh. Ngạc nhiên là khoảng cách với giá thế giới lại được nới rộng đến hôm nay là hơn 14 triệu đồng/lượng.
Cụ thể chiều 22/4, giá vàng SJC mua vào bán ra là 116,5 – 119,5 triệu đồng/lượng, giảm 4,5 triệu đồng/lượng so với phiên ngày 22/4, chênh lệch giữa mua vào và bán ra lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, vàng SJC loại 0,5 chỉ đến 2 chỉ giao dịch 116,5 – 119,53 triệu đồng/lượng, giảm 4,5 triệu đồng/lượng so với ngày 22/4; giá vàng nhẫn SJC 99,99% 1 chỉ đến 5 chỉ mua vào bán ra là 112,5 – 115,5 triệu đồng/lượng, giảm 3,5 triệu đồng/lượng so với phiên ngày 22/4.
Giá vàng trong nước vẫn duy trì ở mức cao khiến nhiều người lo ngại giá vàng còn tiếp tục tăng nên vẫn muốn sở hữu vàng.
Giá vàng thế giới lao dốc sau động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giá vàng giảm hơn 1% sau khi Tổng thống Mỹ rút lại lời sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Việc Donald Trump tỏ ra sự lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Phiên giao dịch ngày 23/4, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống còn 3.339,53 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 2% xuống còn 3.349,80 USD.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 23/4, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy cho biết, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới phản ánh sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: Tâm lý tích trữ, nguồn cung hạn chế.
Người dân miệt mài xếp hàng mua 1 chỉ vàng/ngày khi giá lên đỉnh.
Theo cập nhật của phóng viên báo Tin tức và Dân tộc chiều 23/4, giá vàng trong nước hiện đắt hơn so với giá vàng thế giới là 14,543 triệu đồng/lượng. “Trong bối cảnh các kênh đầu tư thay thế như chứng khoán, bất động sản hay trái phiếu chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ, vàng trở thành ‘bến đỗ an toàn’ của phần lớn nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, sự chênh lệch quá lớn giữa giá trong nước và thế giới cũng tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư mới tham gia ở vùng giá cao, đặc biệt nếu thị trường điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn”, ông Nguyễn Quang Huy cho biết.
Giá vàng trong nước đang tăng mạnh, tăng nhanh hơn giá vàng thế giới vì nguồn cung khan hiếm.
Chuyên gia Nguyễn Quang Huy nhận định, nếu các căng thẳng toàn cầu không sớm được kiểm soát và tâm lý thị trường tiếp tục bị dẫn dắt bởi bất ổn chính trị và tài khóa, giá vàng hoàn toàn có thể kiểm tra vùng 3.500 USD/oz trong quý tới.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đây là vùng nhạy cảm về mặt kỹ thuật và tâm lý và thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy – điều chỉnh ngắn hạn để thiết lập mặt bằng giá mới. “Vàng vẫn là kênh đầu tư phù hợp để phòng ngừa rủi ro vĩ mô và bảo vệ tài sản trong giai đoạn bất ổn. Tuy nhiên, vàng không tạo ra dòng tiền hay giá trị gia tăng trong dài hạn. Do đó, vàng chỉ nên chiếm tỷ trọng nhỏ hợp lý trong danh mục đầu tư”, ông Nguyễn Quang Huy cho biết.
Nhiều khách đặt mua vàng online tại một số ngân hàng lớn đều nhận được thông báo "hết lượt truy cập", "đặt lịch hẹn không thành công"...
Trong bối cảnh thời gian qua, giá vàng liên tục lập đỉnh, dòng người dân xếp hàng mua vàng vẫn tăng không ngừng, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, quan trọng hơn, nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục, tránh phụ thuộc vào một loại tài sản đơn lẻ. Sự kết hợp giữa tài sản phòng thủ (như vàng, trái phiếu) và tài sản tạo giá trị (như cổ phiếu, khởi nghiệp, bất động sản chọn lọc) mới mang lại hiệu quả bền vững.
Thời gian qua, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, tăng nhanh hơn giá vàng thế giới vì nguồn cung khan hiếm. Việc điều chỉnh giá vàng có cần thiết khi giá vàng trong nước bỏ xa thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng? Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng, không để xảy ra trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... nhưng đến nay giá vàng vẫn không ngừng tăng cao và nới rộng khoảng cách với giá thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh vàng theo hướng không nên tập trung quá mức vào vàng miếng SJC cũng như thúc đẩy việc tung thêm vàng ra thị trường, bởi vàng được đẩy ra càng nhiều thì càng tạo ra rủi ro và sức ép đối với tiền đồng. Đặc biệt, cần khuyến khích người dân từ bỏ thói quen tích trữ vàng.
Những biện pháp điều hành thị trường vàng cần hướng đến lợi ích của nền kinh tế tổng thể, không chỉ để ổn định giá vàng. Vàng dự trữ, dù có thể được sử dụng để bình ổn thị trường, nhưng khi bán vàng dự trữ, chúng ta chỉ thu về tiền đồng mà không tạo ra được lợi nhuận từ vàng. Hiện trên thế giới, rất ít quốc gia cho phép ngân hàng Trung ương nhập, bán hay sản xuất vàng miếng. Thay vào đó, các quốc gia khuyến khích sản xuất vàng trang sức vì vàng trang sức vừa có giá trị thẩm mỹ lại dễ dàng tiếp cận và quản lý.
Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính:
Giá vàng trong nước tăng cao bởi giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh. Bên cạnh đó, tỷ giá USD vẫn cao là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng trong nước tăng. Muốn hạ nhiệt giá vàng không có cách nào là nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, thời điểm nào nhập khẩu vàng là bài toán cần cân đối.
Hiện, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức trước việc áp thuế của Mỹ. Khi hàng không xuất được sang Mỹ ảnh hưởng đến nguồn thu USD. Mục tiêu quan trọng của NHNN vẫn là ổn định tỷ giá vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Thị trường vàng nên để tự điều tiết. Giá vàng không thể tăng mãi, khi có sự điều chỉnh giảm, nhu cầu người dân sẽ ít đi, từ đó khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tự thu hẹp.
Thị trường vàng mang nặng tính đầu cơ, giá vàng tăng thì ảnh hưởng người tham gia cuộc chơi chứ không ảnh hưởng nhiều nền kinh tế nên không thể đánh đổi ngoại tệ để kéo giá vàng xuống thấp hơn.
Phương - Sơn/Báo Tin tức và Dân tộc