Giá vàng SJC sáng nay tăng thêm 500 đồng mỗi lượng. Ảnh: Hoàng Anh
Giá vàng hôm nay 10/5
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng hôm nay 10/5 tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mở cửa sáng nay tăng 500 nghìn đồng ở cả hai chiều so với chiều qua, vàng miếng lên mức 120 – 122 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Đây là nhịp tăng thứ 4 liên tiếp do SJC điều chỉnh kể từ khi chạm mức đáy tuần 117,5 - 119,5 triệu đồng/lượng vào sáng qua.
Tương tự, giá vàng nhẫn SJC sáng nay cũng tăng 500 nghìn đồng ở cả hai chiều, lên mức 11,45 - 11,7 triệu đồng/chỉ.
Bảng giá vàng hôm nay 10/5 (vàng miếng) tại một số công ty (lúc 8h48)
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC
Bảng giá vàng nhẫn hôm nay tại các doanh nghiệp, địa phương
(đơn vị: x1.000.000đ/lượng)
Nguồn: Giá vàng hôm nay
Giá vàng thế giới đêm qua
Giá vàng thế giới kết thúc tuần này với tín hiệu tích cực khi vẫn giữ vững trên mốc 3.300 USD/ounce trong bối cảnh tâm lý thị trường toàn cầu có dấu hiệu thay đổi, làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng của kim loại quý này đang tạm thời chững lại.
Sau khi tăng vọt vượt 3.430 USD/ounce vào đầu tuần, giá vàng giao ngay đã trải qua 2 phiên chỉnh khá mạnh, tuy nhiên phiên cuối tuần 9/5 đã tăng nhẹ trở lại và đóng cửa ở mức 3.325,39 USD/ounce, tăng 0,59% so với phiên trước đó.
Dù xu hướng tăng vẫn được duy trì, các nhà phân tích nhận định thị trường đang tỏ ra thận trọng hơn. James Stanley, chiến lược gia tại Forex.com, cho rằng giá vàng khó có thể vượt mốc 3.500 USD trong ngắn hạn. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù xu hướng tăng chưa kết thúc, song động lực hiện tại không đủ mạnh để thúc đẩy một đợt bứt phá mới.
Thông điệp giữ nguyên lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khiến thị trường vàng gần như đi ngang trong tuần qua. Fed cho thấy chưa vội nới lỏng chính sách tiền tệ do nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu.
Nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản cắt giảm lãi suất vào mùa hè đã phần nào phản ánh vào giá, khiến thị trường bước vào giai đoạn "chờ xem".
Tuy nhiên, kỳ vọng dài hạn đối với vàng vẫn tích cực. Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, đánh giá mỗi đợt điều chỉnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy thêm vàng
Ông dự đoán vàng sẽ vượt 3.500 USD trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là các bất ổn liên quan đến thương mại toàn cầu và dự trữ tiền tệ của các nước đang phát triển.
Tâm điểm thị trường trong ngắn hạn là các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc dự kiến diễn ra cuối tuần này tại Thụy Sĩ. Dư luận kỳ vọng hai nền kinh tế lớn sẽ đạt được tiến triển trong việc chấm dứt cuộc chiến thuế kéo dài.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại với Anh vào ngày 8/5, trong đó Mỹ duy trì mức thuế 10% với phần lớn hàng hóa Anh nhưng sẽ giảm nhẹ với các ngành chiến lược như ô tô và thép. Dù chưa được hoàn tất, thỏa thuận này đang làm dấy lên hy vọng về xu hướng hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu.
Michael Brown, chuyên gia tại Pepperstone, cảnh báo nếu các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đạt được bước tiến rõ ràng, vàng có thể chịu áp lực điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ 3.000 USD. Ông cho rằng việc giá vàng không thể vượt qua ngưỡng 3.400 USD hai lần liên tiếp là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng đang suy yếu trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ đợt giảm giá nào cũng là cơ hội mua vào, bởi vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn giữa những bất ổn chính trị, trong khi nhiều nước đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bằng vàng vật chất.
Ngoài yếu tố địa chính trị, dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố trong tuần tới sẽ là phép thử quan trọng với thị trường vàng. Nếu lạm phát tiếp tục gia tăng, Fed sẽ càng khó nới lỏng chính sách, qua đó giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Điều này có thể gây áp lực ngắn hạn lên nền kinh tế Mỹ nhưng lại hỗ trợ giá vàng khi lãi suất thực giảm – một yếu tố tích cực với vàng.
Nhật Hạ