Chốt phiên giao dịch ngày 12/7, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua vào, bán ra ở mức 119,50 – 121,50 triệu đồng/lượng. Ảnh: Khánh Huy.
Giá vàng thế giới
Sau chuỗi ngày trồi sụt theo nhịp biến động toàn cầu, thị trường vàng cuối cùng cũng đã vượt qua được một ngưỡng tâm lý quan trọng khi tiến sát về cuối tuần. Kim loại quý này đang được hậu thuẫn bởi vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế, song giới phân tích vẫn giữ thái độ thận trọng. Lý do? Dòng tiền đang bắt đầu dịch chuyển sang các mặt hàng khác như đồng và bạc, những cái tên đang gây “bão” trên sàn giao dịch.
Giá vàng giao ngay chốt tuần ở mức 3.350,89 USD/ounce, tăng khoảng 0,5% sau cú huých bất ngờ từ Tổng thống Donald Trump với loạt biện pháp thương mại quyết liệt. Việc ông Trump áp thuế 50% đối với nhập khẩu đồng không chỉ khiến thị trường hàng hóa chao đảo mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa giúp vàng lấy lại phần nào vị thế của mình sau nhiều tuần chịu sức ép.
Dù hạn chót áp thuế ban đầu là ngày 9/7 đã được lùi lại sang 1/8, thị trường vẫn không ngừng biến động. Điều này chứng minh rằng cuộc chiến thương mại vẫn chưa hề “hạ nhiệt”. Trong bối cảnh đó, vàng, với vị thế truyền thống là nơi trú ẩn an toàn được hưởng lợi.
Nhiều chuyên gia cho rằng trong khi vàng đang nỗ lực giữ vững nền tảng tăng giá, thì sự trỗi dậy của các mặt hàng khác đang khiến đà tăng trở nên mong manh. Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Topdown Charts, Callum Thomas chỉ ra rằng, một số yếu tố từng thúc đẩy vàng, như lo ngại về tăng trưởng chậm lại, căng thẳng địa chính trị – đang dần mất nhiệt.
Chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures, Philip Streible cũng cho rằng, sự dịch chuyển dòng vốn sang nhóm hàng hóa công nghiệp là yếu tố hạn chế lớn đối với vàng. Ông tiết lộ đã bán bớt vị thế vàng sau khi thu lời từ mức 3.244 USD/ounce.
Bên cạnh đó, yếu tố vĩ mô, đặc biệt là lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang giữ cho giá vàng “nằm im” trong biên độ hẹp. Các dữ liệu sắp công bố như Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay doanh số bán lẻ của Mỹ sẽ là chỉ báo quan trọng.
“Chúng tôi kỳ vọng dữ liệu CPI sẽ ổn định, khiến đồng USD giữ vững sức mạnh, điều này có thể làm vàng ‘dậm chân tại chỗ’,” Aaron Hill từ FP Markets nhận định.
Trong khi đó, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, Ole Hansen tỏ ra không kỳ vọng vàng sẽ sớm lập lại đỉnh cao 3.500 USD/ounce từng ghi nhận vào tháng 4. Ông cho rằng thiếu hụt động lực mới là điểm yếu lớn nhất hiện nay, đặc biệt khi các nhà đầu tư tổ chức đang dần bán ra.
Tuần tới, thị trường sẽ dõi theo loạt dữ liệu kinh tế then chốt như CPI, PPI, doanh số bán lẻ và tâm lý người tiêu dùng để xác định hướng đi tiếp theo cho vàng. Khi mùa hè đến gần và thanh khoản giảm, mọi tín hiệu tích cực hay tiêu cực đều có thể tạo ra những cú xoay chiều bất ngờ.
Vàng đang đứng trước ngã ba đường: hoặc tiếp tục là “pháo đài tài chính” trong bất ổn toàn cầu, hoặc nhường lại sân khấu cho những ngôi sao mới của thị trường hàng hóa như đồng và bạc.
Ghi nhận lúc 18h58 (giờ Việt Nam) ngày 12/7, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn giao dịch Kitco ở mức 3.354,88 – 3.356,88 USD/ounce, tăng 32,11 USD (tương đương 0,97%) so với kết phiên liền trước.
Giá vàng trong nước
Chốt phiên giao dịch ngày 12/7, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, DOJI và Bảo Tín Minh Châu đều niêm yết giá mua vào, bán ra ở mức 119,50 – 121,50 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tại Phú Quý niêm yết mức giá mua vào ở mức 118,80 triệu đồng/lượng và giá bán ra ở mức 121,50 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn SJC mua vào, bán ra ở mức 115,00 - 117,50 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý và DOJI giao dịch mua, bán lần lượt là 116,20 – 119,20 triệu đồng/lượng; 115,20 – 118,20 triệu đồng/lượng; 116,00 – 119,00 triệu đồng/lượng.
Nguyễn Đăng