Giá vàng hôm nay 16/7
Giá vàng hôm nay 16/7 tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết đầu giờ giảm 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với chiều qua. Giá vàng miếng ở mức 118,6 – 120,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC sáng nay cũng giảm 30.000 đồng/chỉ ở chiều mua vào và giảm 40.000 đồng/chỉ ở chiều bán ra, hiện ở mức 11,5 – 11,75 triệu đồng/chỉ (mua vào – bán ra).
Giá vàng hôm nay 16/7 miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12 – 14 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bảng giá vàng hôm nay 16/7 tại một số công ty (lúc 9h30)
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC
Bảng giá vàng nhẫn hôm nay tại các doanh nghiệp, địa phương
Nguồn: giavanghomnay.pro
Giá vàng thế giới đêm qua
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày 15/7 tại Mỹ, do áp lực chốt lời sau đợt tăng gần đây và đồng USD bật mạnh trở lại. Đóng phiên, giá vàng giao ngay tiếp tục giảm 0,56%, đóng cửa ở mức 3.325 USD/ounce.
Đồng bạc xanh tăng giá sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ không cho thấy dấu hiệu lạm phát đáng lo ngại. CPI tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đúng như kỳ vọng thị trường, trong khi CPI lõi – không tính thực phẩm và năng lượng – tăng 2,9%.
Dù thị trường phản ứng khá trầm lắng với dữ liệu này, đồng USD lại ghi nhận đà phục hồi và lợi suất trái phiếu tăng nhẹ, phản ánh kỳ vọng rằng lạm phát vẫn đủ dai dẳng để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì chính sách lãi suất hiện tại.
Tình trạng chững lại của vàng hiện tại chỉ là tạm thời. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho rằng sự suy yếu của đồng USD trong thời gian tới vẫn sẽ là lực đẩy quan trọng cho hàng hóa, đặc biệt là vàng khi Fed hạ lãi suất.
Trong khi đó, bất kỳ dấu hiệu kích thích kinh tế từ Trung Quốc hay nguy cơ lạm phát tại Mỹ đều có thể làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng các biện pháp áp thuế mới từ chính quyền Mỹ sẽ là rủi ro lớn cho triển vọng tăng trưởng, đặc biệt khi nhu cầu tích trữ kim loại công nghiệp có dấu hiệu chững lại.
Morgan Stanley dự báo giá vàng trung bình đạt 3.500 USD/ounce trong quý III, tăng lên 3.800 USD trong quý IV năm nay, trước khi ổn định ở mức này trong quý I/2026. Về dài hạn, họ cho rằng vàng sẽ giảm dần về mức trung bình 3.313 USD trong năm 2026 và tiếp tục hạ xuống 2.625 USD vào năm 2027, 2.500 USD năm 2028.
Goldman Sachs cũng duy trì quan điểm lạc quan khi nâng dự báo giá vàng lên 3.700 USD/ounce vào cuối năm và 4.000 USD vào giữa năm 2026. Ngân hàng này cho biết dòng tiền vào các quỹ ETF và hoạt động mua vào từ các ngân hàng trung ương đang trở thành lực đỡ vững chắc cho thị trường vàng.
Theo mô hình theo dõi của Goldman Sachs, trong tháng 5, nhu cầu vàng từ ngân hàng trung ương và các tổ chức ngoài Mỹ tại thị trường OTC London đạt 31 tấn, cao hơn gần gấp đôi mức trung bình trước năm 2022. Tổng cộng, các ngân hàng trung ương đã mua 77 tấn vàng từ đầu năm đến nay – chỉ thấp hơn một chút so với dự báo 80 tấn trong nửa đầu năm.
UBS cũng đưa ra quan điểm tích cực với vàng, dù đánh giá việc leo thang thuế quan gần đây từ Nhà Trắng chỉ là một phần trong chiến thuật đàm phán. UBS cho rằng mức thuế thực tế sẽ ổn định quanh mốc 15%, thấp hơn nhiều so với các mức công bố 30–35% gần đây. Trong bối cảnh bất định chính sách, ngân hàng này khuyến nghị vàng như một kênh phòng vệ hiệu quả.
Tuy giá vàng đang điều chỉnh ngắn hạn, giới đầu tư vẫn hướng đến kim loại quý như một điểm tựa giữa lúc bất ổn địa chính trị và rủi ro kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Với lực mua từ ngân hàng trung ương, ETF và nhu cầu đầu tư dài hạn tăng lên, vàng nhiều khả năng vẫn giữ vai trò kênh trú ẩn chiến lược trong những tháng tới.
Nhật Hạ