Chốt phiên giao dịch ngày 19/5, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, DOJI và Bảo Tín Minh Châu đều niêm yết giá mua vào, bán ra ở mức 116,80 - 119,30 triệu đồng/lượng. Ảnh: Khánh Huy
Giá vàng thế giới
Vào cuối tuần trước, Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng có chủ quyền của Mỹ xuống một bậc, với lý do mức nợ không bền vững. Quyết định này ngay lập tức gây tác động mạnh đến các thị trường tài chính: cổ phiếu Mỹ bị bán tháo, đồng đô la Mỹ suy yếu và lợi trái phiếu kho bạc tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,51%, trong khi lợi suất kỳ hạn 30 năm vượt ngưỡng 5% lần đầu tiên trong hơn một tháng.
Mặc dù lợi ích trái phiếu tăng thường gây áp lực tăng giá vàng, nhưng mức giảm 0,5% của chỉ số đô la Mỹ (DXY) trong ngày thứ Hai lại hỗ trợ vàng hồi phục sau một tuần giảm mạnh. Trước đó, vàng trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 11 với mức giảm hơn 2%.
Theo các chuyên gia phân tích, việc hạ tín nhiệm và tâm lý tránh rủi ro đang quay trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với vàng như một kênh đầu tư an toàn, ngay cả khi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất ngày càng giảm.
Thị trường tài chính cũng có chút xáo trộn khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent phát biểu trong cuộc phỏng vấn vào Chủ nhật. Theo đó, nếu các quốc gia không đàm phán với Mỹ “một cách thiện chí”, thuế quan thương mại sẽ quay trở lại mức đã công bố vào ngày 2/4. Thông điệp này gây ra lo ngại về chiến tranh thương mại kéo dài gia tăng, nhất là khi dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này đang chịu đựng sự tổn hại từ căng thẳng thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, hàng loạt dữ liệu bán lẻ và lạm phát của Mỹ công bố vào tuần trước cho thấy nền kinh tế đang yếu hơn kỳ vọng, từ đó củng cố khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Dù vậy, thị trường hiện chỉ định giá khoảng 52 điểm cho việc nới lỏng tiền tệ trong năm nay, giảm đáng kể so với hơn 100 điểm hồi tháng trước.
Sự suy giảm của đồng bạc xanh, do dữ liệu kinh tế yếu hơn và sự hoài nghi toàn cầu về chính sách thương mại của Mỹ, đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cho rằng, sự suy yếu của đồng đô la phản ánh sự suy giảm niềm tin vào chính quyền Mỹ, củng cố nhu cầu về các tài sản cứng như vàng.
Ngoài các yếu tố kinh tế, tình hình địa chính trị còn làm gia tăng căng thẳng trên thị trường. Tại Trung Đông, Israel vừa tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn – chỉ vài ngày sau chuyến công du khu vực của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù ông không đến Israel.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump đã làm hỏng các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul bằng cách nói trên Air Force One rằng, không có thỏa thuận nào có thể xảy ra nếu không có sự tham gia của ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cả hai tổng thống sẽ có một cuộc gọi vào thứ Hai để thảo luận về vấn đề này, và có thể tạo ra cơn gió ngược cho vàng nếu một bước đột phá xảy ra.
Trong bối cảnh tài chính và chính trị toàn cầu đầy bất định, vàng tiếp tục được xem là nơi ẩn náu an toàn hàng đầu của các nhà đầu tư.
Ghi nhận lúc 20h44 (giờ Việt Nam) ngày 19/5, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn giao dịch Kitco ở mức 3.230,00 - 3,232.00 USD/ounce, tăng 28,30 USD (tương đương 0,88%) so với kết phiên liền trước.
Giá vàng trong nước
Chốt phiên giao dịch ngày 19/5, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, DOJI và Bảo Tín Minh Châu đều niêm yết giá mua vào, bán ra ở mức 116,80 - 119,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tại Phú Quý niêm yết mức giá mua vào ở mức 116,30 triệu đồng/lượng và giá bán ra ở mức 119,30 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn SJC mua vào, bán ra ở mức 111,50 - 114,50 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý và DOJI giao dịch mua, bán lần lượt là 114,20 – 117,20 triệu đồng/lượng; 111,80 – 114,80 triệu đồng/lượng; 111,50 – 114,50 triệu đồng/lượng.
Nguyễn Đăng