Giá vàng hôm nay 25/7
Giá vàng hôm nay 25/7 tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết đầu giờ không thay đổi so với hôm qua. Giá vàng miếng ở mức 119,7 – 121,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC sáng nay cũng giữ nguyên, hiện ở mức 11,5 – 11,75 triệu đồng/chỉ (mua vào – bán ra).
Giá vàng hôm nay 25/7 miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 11 – 13 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bên cạnh vàng SJC, giá vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp cũng ghi nhận không thay đổi so với hôm qua. Tại PNJ, giá vàng nhẫn vẫn ở mức 11,6 – 11,88 triệu đồng/chỉ. DOJI niêm yết ở mức 11,65 – 11,9 triệu đồng/chỉ.
Bảng giá vàng hôm nay 25/7 tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (lúc 8h40)
Giá vàng thế giới đêm qua
Giá vàng ghi nhận nhiều biến động trong phiên giao dịch ngày 24/7, khi thị trường phản ứng trước loạt dữ liệu kinh tế trái chiều từ Mỹ, đặc biệt là thông tin tích cực từ lĩnh vực dịch vụ và thị trường lao động, cùng với tín hiệu yếu đi từ ngành sản xuất.
Trong phần lớn phiên giao dịch, giá vàng chịu áp lực giảm do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư ngắn hạn sau đà tăng vượt ngưỡng 3.400 USD/ounce hồi đầu tuần. Tuy nhiên, giá đã phục hồi nhẹ khỏi mức thấp sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu mới cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thấp hơn dự kiến. Cụ thể, số đơn trong tuần kết thúc ngày 19/7 là 217.000, thấp hơn mức dự báo 228.000 và giảm so với tuần trước đó.
Cùng lúc, mức trung bình bốn tuần – được xem là thước đo ổn định hơn của thị trường lao động – cũng giảm xuống còn 224.500, phản ánh xu hướng phục hồi bền vững. Tuy vậy, số người tiếp tục nhận trợ cấp vẫn duy trì ở mức cao 1,955 triệu, nhỉnh hơn so với tuần trước, cho thấy thị trường việc làm vẫn chưa hoàn toàn ổn định.
Giá vàng giao ngay hôm qua được ghi nhận lần cuối ở mức 3.368,71 USD/ounce, giảm 0,55% trong phiên, nhưng cao hơn so với đáy đầu phiên. Diễn biến này cho thấy vàng vẫn đang dao động trong biên độ hẹp, khi chưa có yếu tố đủ mạnh để tạo ra xu hướng rõ ràng.
Một ngày trước đó, dữ liệu từ S&P Global cho thấy chỉ số PMI sơ bộ tháng 7 cho lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng lên 55,2 – cao nhất trong bảy tháng và vượt xa mức dự báo 53. Đây là tín hiệu cho thấy khu vực dịch vụ, vốn chiếm phần lớn GDP Mỹ, đang dẫn dắt đà tăng trưởng trong quý III.
Ngược lại, lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy yếu khi PMI rơi xuống 49,5 – mức thấp nhất trong bảy tháng và quay trở lại vùng suy giảm. Đơn hàng mới tại nhà máy lần đầu tiên sụt giảm trong năm nay, kéo theo tốc độ tăng trưởng sản lượng, việc làm và tồn kho đều đi xuống.
Theo Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, dữ liệu PMI sơ bộ cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm 2,3% trong quý III – cao hơn đáng kể so với mức 1,3% trong quý II.
Tuy nhiên, ông cảnh báo đà tăng trưởng này đang dựa quá nhiều vào khu vực dịch vụ, trong khi sản xuất bắt đầu suy yếu trở lại do các yếu tố hỗ trợ tạm thời – như hoạt động nhập khẩu sớm để tránh thuế – đang phai dần.
Trong bối cảnh thị trường chưa xác lập kỳ vọng rõ ràng về hướng đi tiếp theo của chính sách tiền tệ, giới đầu tư vẫn thận trọng với vàng. Sự thiếu vắng lực mua trú ẩn rõ rệt, ngay cả khi thị trường chứng khoán điều chỉnh và sản xuất giảm tốc, cho thấy vàng đang tạm thời mất vai trò phòng thủ trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ kỹ thuật quanh vùng 3.360–3.365 USD/ounce vẫn đang phát huy tác dụng, giúp giá vàng không rơi sâu hơn. Trong thời gian tới, thị trường sẽ theo dõi sát sao các dữ liệu lạm phát, việc làm và tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang để đánh giá lại vai trò của vàng như một kênh trú ẩn trong môi trường lãi suất cao kéo dài.
Nhật Hạ