Giá vàng hôm nay 9/7
Giá vàng hôm nay 9/7 tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết đầu giờ giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với chiều qua. Giá vàng miếng ở mức 118,6 – 120,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC sáng nay cũng tăng 40 nghìn đồng/chỉ, hiện ở mức 11,4 – 11,65 triệu đồng/chỉ (mua vào – bán ra).
Giá vàng hôm nay 9/7 miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12 – 15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bảng giá vàng hôm nay 9/7 tại một số công ty (lúc 8h40)
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC
Bảng giá vàng nhẫn hôm nay tại các doanh nghiệp, địa phương
Nguồn: giavanghomnay.pro
Giá vàng thế giới đêm qua
Giá vàng tiếp tục chịu sức ép trong phiên giao dịch ngày 8/7/2025 khi đồng USD tăng nhẹ, lợi suất trái phiếu neo cao và tâm lý chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến giới đầu tư hạn chế đặt cược mới.
Giá vàng giao ngay đóng cửa 3.301,72 USD/ounce, giảm mạnh 1,04%. Dù chịu áp lực bán kỹ thuật từ các nhà đầu cơ ngắn hạn, vàng vẫn giữ được vùng hỗ trợ quan trọng trên 3.300 USD.
Theo giới phân tích, việc thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lập đỉnh và lợi suất trái phiếu kho bạc 30 năm duy trì trên 5% đang tạo ra thế cạnh tranh rõ rệt với vàng. “Nếu xu hướng này tiếp tục, vàng hoàn toàn có thể điều chỉnh về mốc 3.000 USD trong thời gian tới”, Mike McGlone – chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại Bloomberg Intelligence cảnh báo.
McGlone cho rằng thị trường vàng đang ở trạng thái mua quá mức, với mức giá hiện tại cao hơn gần 60% so với trung bình động 60 tháng – điều từng xảy ra vào năm 2011 trước khi vàng đảo chiều giảm. Ông nhận định để giữ được mức đỉnh gần đây 3.500 USD, tỷ lệ giữa vàng và chỉ số S&P 500 có thể cần phải cải thiện, ngụ ý chứng khoán phải chững lại hoặc suy yếu.
Sức ép với vàng còn đến từ triển vọng chính sách tiền tệ. Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 6 vào ngày 9/7, và một loạt bài phát biểu của các quan chức Fed trong tuần này được kỳ vọng sẽ làm rõ hơn định hướng của ngân hàng trung ương Mỹ trong giai đoạn còn lại của năm.
“Rủi ro lạm phát kéo dài từ chính sách thuế nhập khẩu gần đây nhiều khả năng khiến Fed chưa thể cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này chắc chắn là tin xấu cho vàng”, Hamad Hussain – nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics nhận định.
Theo ông, kịch bản phổ biến hiện nay là Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 10, với tổng mức cắt giảm trong năm nay chỉ còn 50 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, một lực đỡ âm thầm nhưng bền bỉ của vàng vẫn đến từ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương. Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy nước này đã tăng thêm 2 tấn vàng trong tháng 6 – đây là tháng thứ 8 liên tiếp tăng dự trữ, dù tốc độ đã chậm lại so với cuối năm ngoái. Tính từ đầu năm, Trung Quốc đã mua ròng 19 tấn vàng, nâng tổng dự trữ lên 2.299 tấn.
“Dù tốc độ giảm, xu hướng vẫn chưa dừng lại. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị kéo dài và sự suy giảm niềm tin vào USD, các ngân hàng trung ương tiếp tục coi vàng là tài sản dự trữ trung lập và an toàn”, Krishan Gopaul – chuyên gia tại Hội đồng Vàng thế giới cho biết.
Dự báo từ Metals Focus cho thấy tổng lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương toàn cầu năm nay có thể đạt 1.000 tấn – đánh dấu năm thứ tư liên tiếp cán mốc này, và chiếm khoảng 21% tổng nhu cầu vàng thế giới.
Tổng hòa các yếu tố trên cho thấy vàng đang đứng trước giai đoạn thử thách về mặt kỹ thuật lẫn vĩ mô. Trong khi triển vọng dài hạn vẫn được củng cố nhờ lực mua từ các ngân hàng trung ương, xu hướng ngắn hạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thông điệp chính sách từ Fed và diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ trong những tuần tới.
Nhật Hạ