Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 11/2 tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều, hiện niêm yết lần lượt ở mức 89,3 – 92,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 89,1 – 92,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 46,9 USD, tương ứng tăng 1,64% lên mức 2.908,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng 32 USD lên 2.940,2 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 4/2025 trên sàn Comex New York tăng 46,8 USD, tương ứng tăng 1,62% lên mức 2.934,4 USD/ounce.
Vàng tăng mạnh và đạt mức cao kỷ lục mới với khoảng cách gần hơn với mốc 3.000 USD/ounce khi chứng kiến nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi Hoa Kỳ đang áp thêm thuế đối với các đối tác thương mại của mình. Thêm vào đó, các chỉ số kỹ thuật tăng giá cũng đang thúc đẩy hoạt động mua dựa trên biểu đồ đối với kim loại màu vàng.
Hiện các nhà đầu tư đặc biệt tập trung vào những lo ngại về lạm phát phát sinh từ các chính sách thương mại này. Trong khi tác động của thuế quan đối với giá nhập khẩu của Hoa Kỳ thường chậm trễ, sự chú ý của thị trường tập trung vào các báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tuần này. Nhà phân tích Edward Meir của Marex cho rằng, các chỉ số này có thể ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đạo của vàng, với các số liệu thấp hơn dự kiến có khả năng làm suy yếu đồng đô la và thúc đẩy giá vàng.
Biến động thị trường còn chịu ảnh hưởng bởi mức thuế trả đũa của Trung Quốc đối với 14 tỷ đô la hàng hóa của Hoa Kỳ và chương trình thí điểm mới của Trung Quốc cho phép các công ty bảo hiểm được đầu tư tới 1% cổ phần của họ vào vàng - có khả năng tạo ra nhu cầu mới trị giá 27 tỷ đô la, theo các nhà phân tích của SP Angel.
Thị trường cũng sẽ theo dõi chặt chẽ phiên điều trần trước quốc hội của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vào thứ Ba và thứ Tư.
Nhìn vào thị trường rộng lớn hơn, bà Tobina Kahn, Chủ tịch của House of Kahn Estate Jewelers cho rằng rất khó để thấy điều gì sẽ ngăn cản đợt tăng giá mới của vàng. Bà kỳ vọng sự bất ổn địa chính trị sẽ tiếp tục hỗ trợ giá trong năm 2025.
“Vàng hấp dẫn vì nó không có rủi ro chính trị. Với tất cả sự bất ổn về địa chính trị và cuộc chiến thương mại, vàng vẫn sẽ tăng cho đến khi chúng ta kiểm soát được nợ chính phủ”, bà nói.
Với mức giá khoảng 2.940,2 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 91,72 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 0,58 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay tăng mạnh lên mức 108,31 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 11/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.522 đồng/USD, tăng 35 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.296 – 25.748 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.210 – 25.600 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.670 đồng/USD và bán ra là 25.760 đồng/USD.
N.T