Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đi ngang trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 14/7 chưa có biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 119,5 – 121,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay cũng chưa có biến động nào so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 116,2 – 119,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 31,7 USD lên mức 3.355,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng 3,2 USD lên 3.358,9 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 8/2025 trên sàn Comex New York tăng 38,3 USD, tương ứng tăng 1,15% lên mức 3.364 USD/ounce.
Bất chấp một số bất ổn ban đầu, thị trường vàng vẫn kết thúc tuần với mức tăng tích cực và tiếp tục tăng nhẹ trong đầu tuần mới, sau khi Tổng thống Trump khiến các nhà đầu tư bất ngờ với loạt đòn tấn công mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu đang diễn ra bởi công bố mức thuế 50% đối với đồng nhập khẩu.
Trong tuần giao dịch mới, thị trường sẽ chú ý tới ngày thứ Ba với công bố báo cáo CPI tháng 6 cùng với Khảo sát Sản xuất Empire State, tiếp theo là số liệu PPI tháng 6 vào thứ Tư. Vào thứ Năm, các nhà giao dịch sẽ chú ý đến báo cáo Doanh số Bán lẻ tháng 6, Khảo sát Sản xuất của Cục Dự trữ Liên bang Philadelphia và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần.
Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futures, đã phân tích những tác động tiềm tàng của dự luật ngân sách Hoa Kỳ đối với đợt tăng giá vàng.
“Giá vàng dường như vẫn dao động trong biên độ hẹp trong vài tháng qua. Tôi thiên về quan điểm ‘mọi thứ đã đạt đỉnh và chúng ta sẽ quay trở lại đường trung bình động 200 ngày’. Nhưng thuế quan và các lệnh trừng phạt tiềm tàng đối với dầu mỏ Nga, cùng những hệ lụy có thể xảy ra, đã khiến thị trường vàng tăng cao”, ông nói.
Pavilonis cho biết, mặc dù chỉ số CPI tới đây và thông báo sắp tới về mức thuế quan của EU rất quan trọng, nhưng ông không kỳ vọng cả hai yếu tố này sẽ có tác động lớn đến giá vàng.
"Chúng ta sẽ thấy một chút biến động, nhưng tôi nghĩ vàng có lẽ vẫn sẽ đi ngang trong một thời gian nữa. Giá vàng có thể sẽ đi ngang trong nhiều tháng. Về lâu dài, điều đó có nghĩa là giá vàng rất có thể đang hình thành ngưỡng hỗ trợ ngay trong phạm vi này, và chúng ta có thể thấy một đợt tăng giá kéo dài”, ông nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, nhận định: “Trong 12 tuần qua, vàng đã giao dịch trong một phạm vi hẹp, ranh giới đang dần thu hẹp. Đường trung bình động 50 ngày một lần nữa đóng vai trò hỗ trợ. Đồng thời, động lực tăng trưởng chính là sự trỗi dậy trở lại của tâm lý ưa rủi ro, điều này đã hỗ trợ cho sự sụt giảm lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn, đối thủ cạnh tranh chính của vàng”.
Với mức giá khoảng 3.358,9 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 107,6 triệu đồng/lượng, như vậy, vàng trong nước đang cao hơn khoảng 13,9 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng tại mức 97,96 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 14/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 25.126 đồng/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên cuối qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.870 – 26.382 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.920 đồng/USD ở chiều mua vào và 26.332 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.900 – 26.290 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 26.360 đồng/USD và bán ra là 26.430 đồng/USD.
N.T