Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 17/5 đảo chiều giảm 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng không biến động so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 114 – 117 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 35,5 USD xuống 3.204,5 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 6/2025 trên sàn Comex New York giảm 39,4 USD, tương ứng giảm 1,22% xuống mức 3.187,2 USD/ounce.
Thị trường vàng tiếp tục gặp khó khăn và không thể tìm thấy động lực tăng giá nào sau dữ liệu đáng thất vọng về lĩnh vực nhà ở.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu rằng, xây dựng nhà ở đã tăng 1,6% vào tháng trước lên mức 1,361 triệu theo tỷ lệ hàng năm, tăng so với mức đã điều chỉnh của tháng 3 là 1,339 triệu. Dữ liệu thị trường nhà ở mới nhất đã tăng phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Mặc dù không có sự hoảng loạn lớn nào trên thị trường, các nhà phân tích đang cảnh báo các nhà đầu tư rằng giá vàng sẽ cần tìm kiếm sự hỗ trợ mới, vì kim loại màu vàng này đã kết thúc tuần ở mức dưới 3.200 USD/ounce - mức tâm lý quan trọng trong năm tuần qua.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Thorsten Polleit, Giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Bayreuth và là người xuất bản Báo cáo Boom & Bust, cho biết đợt bán tháo này không có gì đáng ngạc nhiên vì tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi nhanh chóng.
Polleit nói thêm rằng, ông sẽ không ngạc nhiên khi thấy giá vàng cuối cùng sẽ kiểm tra mức hỗ trợ dưới 3.000 USD/ounce trước khi đợt điều chỉnh kết thúc. Tuy nhiên, ông hy vọng giá thấp hơn sẽ thu hút các nhà đầu tư mới vì xu hướng tăng giá rộng hơn vẫn còn nguyên vẹn.
Ông chỉ ra rằng mức nợ toàn cầu không bền vững sẽ tiếp tục hỗ trợ lạm phát cao hơn và bất ổn kinh tế. Mặc dù nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng đang giảm dần, ông cho biết nó vẫn chưa biến mất hoàn toàn.
Trong một lưu ý hôm thứ Sáu, Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết ông đang áp dụng phương pháp chờ đợi và quan sát đối với vàng
“Bất chấp sự thoái lui gần đây, một số động lực cấu trúc chính - bao gồm hoạt động mua của ngân hàng trung ương, rủi ro địa chính trị, lo ngại về nợ tài chính và phòng ngừa lạm phát - vẫn còn nguyên vẹn. Những yếu tố này có khả năng hỗ trợ giá trong dài hạn, mặc dù có thể cần một giai đoạn củng cố trước khi chất xúc tác tăng giá đáng kể tiếp theo xuất hiện”, ông cho biết.
Với mức giá khoảng 3.204,5 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 98,07 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 20,43 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 100,64 điểm.
Tỷ giá trung tâm cuối tuần qua được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.960 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.712 – 26.208 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.762 đồng/USD ở chiều mua vào và 26.158 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.720 – 26.110 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 26.330 đồng/USD và bán ra là 26.430 đồng/USD.
N.T