Nguyên nhân giá vàng liên tục lập đỉnh
Sáng 18/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 117 - 120 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng chiều mua vào và 2 triệu đồng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Các thương hiệu khác cũng nâng giá loại vàng này lên tương ứng, song nguồn cung trên thị trường rất khan hiếm. Chênh lệch giá mua và bán hiện neo quanh 3 triệu đồng một lượng.
Cùng thời điểm, SJC giữ giá mua bán nhẫn trơn tại 114 - 117 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu tăng mạnh giá mua bán nhẫn trơn lên 116,5 - 119,5 triệu.
Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng là: Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Isarel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.
Thị trường vàng được dự báo còn tiếp tục tăng.
Thứ hai, nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng.
Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…
Trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới, từ mức 84,05 triệu đồng/lượng vào ngày đầu năm 2025, tăng lên quanh mức 100,4 triệu đồng/lượng ngày 19/3/2025.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên, chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%), đến nay còn khoảng 2-4 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 3-5%), nhiều thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc vàng vượt 120 triệu đồng/lượng là chưa từng có tiền lệ nhưng thực tế đã đạt được và có khả năng chưa dừng lại. Theo ông Hiếu, sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đã đẩy giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục mới, kéo giá vàng trong nước tăng mạnh. Thậm chí, kim loại quý này vẫn còn dư địa tăng tiếp khi danh sách các tài sản trú ẩn an toàn ngày càng thu hẹp.
"Trong bối cảnh căng thẳng thuế quan chưa giảm nhiệt, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng như một nơi trú ẩn trong căng thẳng thương mại toàn cầu" - ông Hiếu cho biết.
Nên mua hay bán vàng lúc này? Ông Hiếu cho rằng, người dân và nhà đầu tư vàng nên đặt một mục tiêu lợi nhuận nhất định vào khoảng 30% là hợp lý. Trong trường hợp nắm giữ vàng tới mức lợi nhuận khoảng 30% là có thể nghĩ tới việc chốt lời để bảo toàn lợi nhuận. Hoặc nếu muốn mua vàng lúc này cần cân nhắc dư địa tăng giá còn nhiều hay không.
Vàng sẽ còn tăng tiếp?
Theo Hiệp hội Vàng Việt Nam, việc tích trữ vàng đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Đây như một hình thức sở hữu "bảo hiểm tài chính" cho gia đình. Vàng là loại tài sản không chỉ giữ giá trị mà còn tăng giá trị theo thời gian. Tuy có thể giảm nhưng chỉ trong giai đoạn ngắn. Vàng có tính thanh khoản rất cao, vì có thể chia nhỏ ra thành phân vàng, chỉ vàng để thanh toán, trao đổi mua bán, rất phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính - cho rằng, nay giá vàng lên mức kỷ lục 120 triệu đồng/lượng là mức cao nhất trong lịch sử. Giá vàng trong nước tăng mạnh bởi giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục. Tuy nhiên, do nguồn cung vàng khan hiếm nên hiện giá vàng trong nước nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới.
Theo ông Long, trong cơn "sóng vàng" này giá càng lên nhanh bởi tâm lý nhà đầu tư. "Về nguyên tắc các cửa hàng vàng kinh doanh vàng phải có lợi. Trong cơn sóng vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt nên đặt khoảng cách giá mua vào - bán ra lớn lên tới 3 triệu đồng/lượng", ông Long nói.
Vị chuyên gia cho hay, dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là "nhà vàng". Người dân mua vào chịu rủi ro "kép" nếu giá vàng xuống, có khả năng lợi nếu giá vàng tăng.
TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Đại học kinh tế Quốc dân dự báo, trong dài hạn, với đà tăng như hiện nay, ngưỡng 150 triệu đồng/lượng vàng không còn là quá xa vời.
Cơ sở của nhận định này, theo ông Minh, đó là do những bất ổn địa chính trị và chính sách thuế quan của các nước. Việc này có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế của nhiều nước và các nhà đầu tư sẽ tìm đến điểm trú ẩn an toàn là vàng, vì về bản chất, vàng là một loại tiền tệ đặc biệt, có tính thanh khoản cao nhất.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn cung vàng SJC để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi vàng nhẫn – vốn phổ biến với người dân – cũng đang trong tình trạng khan hiếm.
"Người Việt có tâm lý rất chuộng mua vàng. Bởi vậy, giá vàng càng tăng cao sẽ càng thúc đẩy tâm lý mua vàng mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, tại thời điểm này, người dân có suy nghĩ đầu tư vào vàng vẫn là hiệu quả nhất, tốt nhất khi thị trường chứng khoán có nhiều biến động, thị trường tiền gửi có mức lãi suất thấp, còn thị trường bất động sản chưa có gì khởi sắc trong năm nay, thị trường ngoại tệ thì không phải ai cũng tham gia được", ông Hiếu nói.
Chính sự thiếu hụt nguồn cung trong nước này đã khiến giá vàng trong nước tăng nhanh hơn so với quốc tế. TS Hiếu nhấn mạnh rằng thị trường hiện vẫn thiếu các biện pháp điều tiết hiệu quả, đặc biệt là trong ngắn hạn, để đảm bảo nguồn cung vàng ổn định.
Tô Hội