Mở cửa phiên giao dịch ngày 7/7, giá vàng miếng đồng loạt giảm 400.000 đồng cả 2 chiều. Các thương hiệu DOJI, SJC, PNJ niêm yết ở mức 118,5 - 120,5 triệu đồng/lượng. Riêng chiều mua vào của Phú Quý thấp hơn các thương hiệu khác 700.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn tại hầu hết các thương hiệu điều chỉnh giảm từ 200.000 – 700.000 đồng cả chiều mua và bán. Cụ thể, Phú Quý giảm 200.000 đồng chiều mua vào bán, giao dịch ở ngưỡng 114,1 - 117,1 triệu đồng/lượng; SJC niêm yết ở mức 113,9 - 116,4 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng cả 2 chiều; DOJI giao dịch ở mức 115 - 117 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng chiều mua và bán; PNJ giảm 700.000 đồng chiều mua và bán, niêm yết ở mức 113,4 – 115,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đồng loạt giảm.
Tuần qua (30/6-6/7), giá vàng trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động của thế giới. Tuy nhiên, đà giảm của giá vàng trong nước ít hơn so với thế giới, bởi hoạt động điều tiết thị trường nội địa, như việc Ngân hàng Nhà nước bán ra vàng, giúp thu hẹp biên độ chênh lệch.
Tính chung trong tuần, giá vàng miếng SJC "bốc hơi" khoảng 1,8 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước đó. Trong khi giá vàng nhẫn tròn 99,99 lại tăng nhẹ, khoảng 100.000 đồng/lượng.
Mức tăng nhẹ này là tín hiệu cho thấy nhu cầu tìm đến vàng trang sức/nhẫn vẫn duy trì, có khi cao hơn vàng miếng khi mua sắm cá nhân. Với xu hướng hiện tại, cân nhắc giữa rủi ro cho nhà đầu tư mua mới và cơ hội tích trữ, giới phân tích thị trường dự đoán, vàng nhẫn có thể tiếp tục nhích nhẹ theo tâm lý thị trường. Với mức tăng mỏng và cấu trúc chênh lệch giá ổn định, vàng nhẫn đang hấp dẫn hơn người mua cá nhân, ít chịu biến động từ thị trường ngoại hối hay chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, mức giảm sâu của vàng miếng SJC đã tạo ra nhiều áp lực lên nhà đầu tư, nhất là những người đã phải mua vào ở mức giá cao.
Thời gian tới, các nhà phân tích thị trường trong nước cho rằng, giá vàng thế giới phục hồi hoặc biến động mạnh có thể giúp giá vàng miếng tăng trở lại. Nếu đồng USD tiếp tục mạnh, hiệu ứng này sẽ kéo dài.
Nếu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp từ 13-14 triệu xuống còn 5 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh giá thế giới giảm, vàng miếng SJC có thể lao dốc. Dù vậy, biến động còn phụ thuộc vào nguồn cung tăng thêm và việc người dân có đẩy mạnh bán vàng ra không.
Tuy nhiên nhìn chung, vàng miếng SJC sẽ không còn sức hấp dẫn như từng có. Dòng đầu tư vàng nhẫn hiện đang có lợi thế, mức tăng “nhẹ nhàng”, chênh lệch hẹp giữa mua và bán, phù hợp với người dân tích trữ ngắn hạn. Vàng miếng SJC trong giai đoạn hiện tại phù hợp hơn cho tích trữ nếu giá giảm tiếp, nhưng rủi ro vẫn cao do biến động ngoại hối và tài chính quốc tế. Với chính sách điều tiết và nguồn cung có kiểm soát, thị trường vàng trong nước khó biến động quá mạnh, nhưng xu hướng là gia tăng phân hóa giữa vàng miếng và vàng nhẫn, trang sức.
Trên thế giới, giá vàng quốc tế (XAU) hôm nay là 3.325,20 USD (cập nhật lúc 08:02:35 07/07/2025), giảm 0,35% trong 24 giờ qua, tương ứng với giảm 11,54 USD/Ounce.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ sau một tuần tăng giá nhờ được thúc đẩy bởi bối cảnh kinh tế và chính trị thuận lợi, khi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp mạnh hơn dự báo đã xóa bỏ phần lớn kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này. Hiện tại, thị trường chỉ còn định giá 25% khả năng Fed có động thái hạ lãi suất.
Về mặt kỹ thuật, đợt tăng giá vàng tuần trước đã kết thúc đợt trượt giá kéo dài 2 tuần nhưng không đạt đến mức đảo ngược tăng giá thực sự. Người bán vẫn ở trong ngưỡng 3.451,53 - 3.500,20 USD/ounce, hạn chế tiềm năng đột phá. Trong khi đó, người mua đang để mắt đến vùng thoái lui 3.166,46 - 3.018,52 USD/ounce nếu diễn biến giao dịch kích hoạt một đợt thoái lui mới.
Tâm điểm tuần này là Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) công bố quyết định về chính sách tiền tệ. Đây là một sự kiện được mong đợi, sẽ cung cấp thêm manh mối về định hướng lãi suất trong bối cảnh lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đang là những ẩn số.
Bên cạnh đó, thị trường còn quan tâm tới số liệu yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ. Trong bối cảnh hiện tại, dữ liệu này cung cấp những cái nhìn sâu sắc về sức khỏe của thị trường lao động Mỹ và áp lực lạm phát tiềm ẩn.
Châu Giang